Jul 20, 2012

• Tranh luận về sức mạnh của Hoa Kỳ





Đầu tháng Bảy năm nay, Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ ra đời tròn 236 năm (04/07/1776 - 04/07/2012). Quốc gia này được thành lập ban đầu với 13 thuộc địa của Vương quốc Anh nằm dọc theo bờ biển Đại Tây Dương. Để đổi lấy nền độc lập cho đất nước, nhiều người con ưu tú của 13 thuộc địa trên đã ngã gục trước súng đạn của Đế chế Anh. Ngày 04/07/1776, tại Philadelphia, Đệ nhị Quốc hội Lục địa (Second Continental Congress) phê chuẩn Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ (United States Declaration of Independence) do “Nhóm 5 người”?Committee of Five) gồm: John Adams, Benjamin Franklin, Thomas Jefferson, Robert R. Livingston, Roger Shermen, soan thảo. Từ đó ngày 04/07 trở thành Ngày Lễ Độc Lập của Hoa Kỳ. 

Tổng Thống đầu tiên của Hoa Kỳ là George Washington. Ông là nhà lãnh đạo chính trị và quân sự có ảnh hưởng lớn đối với quốc gia non trẻ Hoa Kỳ từ năm 1775 đến 1799. Ông từng lãnh đạo dân chúng Hoa Kỳ chiến thắng Vương quốc Anh trong cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ với tư cách là Tổng tư lệnh Lục quân Lục địa. Sau Tổng Thống George Washington (30/04/1789 - 04/03/1797), John Adams và Thomas Jefferson từng tham gia soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập được bầu làm tổng thống thứ hai và thứ ba của Hoa Kỳ (John Adams từ 04/03/1797 đến 04/03/1801; Thomas Jefferson từ 04/03/1801 đến 04/03/1809). 

Sau cuộc chiến tranh giành độc lập từ 1775 đến 1783, trước 1945, Hoa Kỳ trải qua những cuộc chiến tranh lớn: Chiến tranh giành độc lập lần thứ 2 giữa Mỹ và Anh từ 1812 đến 1815; Chiến tranh Nam- Bắc (1861 - 1865); hai cuộc Đại chiến Thế giới (1914 - 1918, 1937 - 1945). Đệ nhị Thế chiến (1937 - 1945) kết thúc, Hoa Kỳ trở thành cường quốc. Sau mấy chục năm Chiến tranh Lạnh, cộng sản Liên Xô sụp đổ, Hoa Kỳ trở thành siêu cường, đứng đầu thế giới trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học … 
Hoa Kỳ còn là ân nhân và là quê hương thứ hai của hàng triệu người Việt Nam tị nạn cộng sản. Cộng đồng người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ, được sống tại đất nước tự do dân chủ Hoa Kỳ, chịu sự giúp đỡ và ảnh hưởng của nền giáo dục, khoa học tiên tiến, đã vươn lên đạt được nhiều thành công trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, giáo dục... Ngày 07/05/2012, Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua việc bổ nhiệm bà Jacqueline H. Nguyễn của thành phố Los Angeles trở thành Thẩm phán của Tòa Chống án Liên Bang, khu vực 9, với tỷ lệ 91/3 phiếu. Với sự bổ nhiệm này, bà Jacqueline H. Nguyễn trở thành người phụ nữ gốc Á đầu tiên được bổ nhiệm vào Tòa Kháng án Liên bang Hoa Kỳ. Thẩm Phán Jacqueline H. Nguyễn đã được Tổng Thống Barack Obama đề cử từ tháng 09/2011, tuy nhiên, việc bổ nhiệm vào chức vụ quan trọng này cần phải được các ông bà nghị Thượng viện thông qua. Tòa Kháng án Liên bang là định chế tư pháp ngay dưới Tối Cao Pháp Viện. Khu vực 9 bao gồm toàn bộ miền Tây nước Mỹ với 9 tiểu bang, trong đó có California, cùng hai lãnh thổ Guam và Northern Mariana.

Sau bao nhiêu năm vật đổi sao dời, chịu những cuộc khủng hoảng nặng nề kéo dài trong những thập niên 1890, 1930, 1970 và 2008... trải qua các cuộc chiến tranh Triều Tiên, Việt Nam, Iraq, Afghanistan... Hoa Kỳ bắt đầu suy yếu dần. Tuy nhiên, tháng 02/2012, cuốn Thế giới Hoa Kỳ tạo ra (The World America Made) của Robert Kagan ra đời, gây ra một cuộc tranh cãi lớn về đề tài: “Hoa Kỳ vẫn là quốc gia hùng cường hay đã suy thoái”. 

Tác phẩm Thế giới Hoa Kỳ tạo ra và cuộc tranh luận về sức mạnh của Hoa Kỳ
Trong 20 năm qua, nhiều chính khách, học giả, giới truyền thông Hoa Kỳ đã bàn luận đến sức mạnh của Hoa Kỳ, nước Mỹ đã xuống dốc trở thành một quốc gia suy yếu hay vẫn hùng mạnh như xưa? Sôi nổi nhất vẫn là sau khi tác phẩm Thế giới Hoa Kỳ tạo ra, dày 149 trang, của Robert Kagan ra mắt ngày 14/02/2012, được nhiều người quan tâm đến. Trong tác phẩm này, Robert Kogan nhấn mạnh Hoa Kỳ vẫn là siêu cường duy nhất trên thế giới, chưa hề suy thoái, không một quốc gia nào có thể sánh kịp. Tổng Thống Barack Obama, ứng viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa Mitt Romney, học giả kiêm nhà báo Fareed Zakaria, Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, 2 ký giả Nicholas Kristof và Thomas Fridman, cùng nhiều người khác... đã tham gia vào cuộc tranh luận này.

Trước khi Thế giới Hoa Kỳ tạo ra phát hành, Robert Kagan viết một bài bình luận với đầu đề Huyền thoại về ngày tàn của Hoa Kỳ (The Myth of American Decline) đăng trên tạp chí The New Republic số ra ngày 02/02/2012, phê phán những người nói Hoa Kỳ suy thoái. Mở đầu bài báo Kagan đặt câu hỏi: “Phải chăng Hoa Kỳ đang suy tàn như quá nhiều người đã và đang tin? Hay người Mỹ quá nhanh nhẩu đoảng, tự kết liễu vị thế siêu cường quốc của đất nước mình bởi nỗi lo sợ huyền hoặc về sức mạnh đang ngày càng suy giảm?”. 

Khi đánh giá sức mạnh của Hoa Kỳ, Robert Kagan viết trong bài Huyền thoại về ngày tàn của Hoa Kỳ: “Cách đây chưa đầy mười năm, nhiều học giả và bình luận gia không hề bàn đến sự suy tàn của Hoa Kỳ, chỉ nói đến thế độc tôn bền bỉ của Mỹ. Năm 2002, sử gia Paul Kennedy tuyên bố, trong lịch sử chưa bao giờ có “sự chênh lệch sức mạnh” lớn như vậy giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới. Ông là người cuối thập niên 1980 đã viết một cuốn sách được bàn luận nhiều về “sự hưng thịnh và suy vong của các đại cường quốc” trong đó có Hoa Kỳ. John Ikenberry, giáo sư về chính sách ngoại giao quốc tế tại Đại học Princeton, đồng ý rằng: “không đại cường quốc nào khác có những ưu thế đáng nể như vậy về năng lực quân sự, kinh tế, công nghệ, văn hóa, hay chính trị … Sự vượt trội của sức mạnh Mỹ quả là vô tiền khoáng hậu”. Năm 2004, nhà bình luận Fareed Zakaria nhận định Mỹ đang tận hưởng “thế đơn cực (uni-polarity) toàn diện” chưa từng thấy kể từ thời La Mã. Nhưng chỉ bốn năm sau Zakaria lại viết Thế giới hậu Hoa Kỳ với “sự vươn lên của phần còn lại của thế giới”, Kennedy thuyết giảng về sự suy tàn tất yếu của nước Mỹ. Chẳng lẽ những yếu tố căn bản về sức mạnh tương đối của Hoa Kỳ lại thay đổi quá lớn như vậy chỉ trong vài năm ngắn ngủi? Câu trả lời là không!”.

Theo Kagan, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia mạnh nhất thế giới, năm 2008 gặp nhiều khó khăn về kinh tế tài chính, nhiều người mới nghĩ rằng Hoa Kỳ đã suy yếu hoặc bắt đầu suy yếu. Sau khi đọc bài Huyền thoại về ngày tàn của Hoa Kỳ, ông Barack Obama khen ngợi những nhận xét của Robert Kagan. Theo ông, Hoa Kỳ vẫn bình thường, chưa có dấu hiệu gì tỏ ra suy thoái. Barack Obama năm nay hoàn toàn khác Barack Obama 4 năm trước. Trong những ngày ra tranh cử tổng thống năm 2008, mỗi lần đi vận động cử tri bỏ phiếu cho mình, tay Obama cầm cuốn Thế giới hậu Hoa Kỳ của Fareed Zakaria với nội dung Hoa Kỳ đã bắt đầu suy thoái, Trung Quốc và Ấn Độ đang trỗi dậy. Obama dựa vào đó phê phán Hoa Kỳ đã bước vào thời kỳ suy thoái cần phải 'đổi mới” (Change). Fareed Zakaria là người Mỹ gốc Ấn Độ, chào đời năm 1964, đậu cử nhân tại Đại học Yale, tốt nghiệp tiến sĩ chính trị tại Đại học Harvard, chuyên nghiên cứu chính sách ngoại giao Hoa Kỳ, từng viết chuyên luận và làm chủ bút tạp chí Newsweek, hiện nay viết bài cho Times.

2012 là năm bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Trước khi Đảng Cộng Hòa cử người thay mặt đảng ra tranh cử với Tổng Thống Obama của Đảng Dân Chủ, các ứng viên ra tranh cử tổng thống của Đảng Cộng Hòa đều nói Obama đã làm cho Hoa Kỳ suy thoái để đánh bại ông. Sau chiến thắng vang dội ở Texas ngày 29/5, Mitt Romney chính thức trở thành ứng viên Đảng Cộng Hòa đua tài đọ sức với Barack Obama trong kỳ bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ diễn ra vào tháng 11/2012. Romney là người phê phán Obama dữ dội nhất. Romney nói, trong gần 4 năm cầm quyền, Obama đã khiến cho Hoa Kỳ từ bế tắc đến suy thoái. Điều khá châm biếm là, Robert Kagan, tác giả cuốn Thế giới Hoa Kỳ tạo ra và bài báo Huyền thoại về ngày tàn của Hoa Kỳ, lại là một trong 4 cố vấn ngoại giao của Mitt Romney. Bởi vậy, khi Obama công khai tuyên bố đồng ý với quan điểm Hoa Kỳ chưa suy thoái của người làm cố vấn ngoại giao cho ứng viên tổng thống Mitt Romney, Robert Kagan cảm thấy lúng túng, đúng lá “há miệng mắc quai”.
Robert Kagan là người ủng hộ chủ trương đánh Afghanistan và Iraq của Tổng Thống Đảng Cộng Hòa George V. Bush và phó Tổng thống Dick Cheney, còn gọi là “kiệt tác” của học giả và chính khách phe bảo thủ mới. Ngay cả khi chiến tranh Iraq thất bại, Bush bị phê phán làm cho Hoa Kỳ suy thoái, trong Thế giới Hoa Kỳ tạo ra Robert Kagan vẫn biện hộ cho Bush, Cheney và những kẻ đã gây ra cuộc chiến tranh đó, còn đả kích các học giả và những nhà bình luận nói và viết những sự thật xảy ra tại chiến trường Afghanistan và Iraq. Những ý kiến trình bày trong tác phẩm của Robert Kagan không được các nhà phê bình nhìn nhận, còn bị nhiều dư luận phê phán, hoặc cho rằng cách nhìn của Robert Kagan quá nông cạn, phiến diện, không có sức thuyết phục … 

Đặc biệt Robert Kagan thường đưa sức mạnh quân sự của một nước ra làm tiêu chuẩn để đánh giá sức mạnh của nước đó. Theo Robert Kagan, sức mạnh quân sự Hoa Kỳ vẫn đứng đầu thế giới, không một nước nào có thể sánh kịp, vậy là Hoa kỳ chưa hề suy yếu, không cần bàn cãi nữa. Tuy nhiên, trong bài Afterword (Lời nói sau) in cuối tác phẩm Bàn về Trung Quốc (On China), Henry Kissinger vẫn phê phán Hoa Kỳ đã suy thoái trong một số lĩnh vực như giáo dục, vận tải và thông tấn... Nicholas Kristof từng là ký giả của New York Times thường trú ở Bắc Kinh hoặc Thomas Fridman thường viết bài cho báo này đã nhiều lần đến Đài Loan và Hoa Lục cũng nói Hoa Kỳ đã suy thoái, một số nước Châu Á như Ấn Độ Trung Quốc đang trỗi dậy. Kristof và Fridman nhấn mạnh, Hoa Kỳ không coi trọng giáo dục và các cuộc đấu tranh giữa các phe phái chính trị là hai nguyên nhân khiến cho sức mạnh của mình ngày càng suy yếu … 

Vài nét về tác giả Thế giới Hoa Kỳ tạo ra 
Robert Kagan là nhà bình luận chính trị phái hữu xuất thân trong một gia đình học thuật gốc Do Thái. Thân phụ là Donald Kagan, sinh năm 1932 ở Lithuania. Năm 1960 di dân đến Hoa Kỳ, sinh sống ở vùng Brooklyn, Nữu Ước. Sau khi lấy bằng tiến sĩ văn học cổ điển tại Đại học quốc lập tiểu bang Ohio, Donald Kagan giảng dạy tại Đại học Yale. Từng xuất bản một bộ 4 cuốn về Chiến tranh Peloponnesus (Peloponnesian War) nói về cuộc chiến giữa các thành bang Hy Lạp cổ đại từ 431 đến 404 trước Công nguyên, được giới trí thức tôn trọng, còn được đánh giá là một trong các học giả Hoa Kỳ nổi tiếng về nghiên cứu Cổ Hy Lạp. Năm 1969 Donald Kagan giảng dạy tại Khoa sử Đại học Cornell thấy phong trào phản chiến tại các trường Đại học Hoa Kỳ lên cao, sinh viên da đen chiếm giữ văn phòng nhà trường, từ đó ông từ bỏ trường phái tự do của Đảng Dân Chủ, trở thành phe bảo thủ của Đảng Cộng Hòa. 

Robert Kagan chào đời năm 1958, cũng theo phái bảo thủ của Đảng Cộng Hòa như cha. Sau khi tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Yale, đậu cao học tại Harvard, lấy bằng tiến sĩ tại Đại học American, Hoa Thịnh Đốn, Robert từng làm cố vấn ngoại giao cho Hạ nghị sĩ Jack Kemp của Đảng Cộng Hòa. Ông ta cũng từng viết diễn văn cho Geor P. Shulte, Ngoại trưởng thuộc Đảng Cộng Hòa. Sau 10 năm nghiên cứu xuất sắc tại Hội Thúc đẩy Hòa Bình Quốc tế Carnegie (Carnegie Endowment for International Peace), tháng 09/2010, được Strobe Talbot, Giám đốc Viện Nghiên cứu Bookings (Brookings Institution) giới thiệu, Robert Kagan đến làm việc tại đó. Có người còn nói, thời Bill Clinton làm tổng thống, Robert Kagan còn giữ chức thứ trưởng Ngoại giao.

Vợ của Robert Kagan là Victoria Nuland, tốt nghiệp tại Đại học tư thục Choate Rosemary Hall năm 1979, lấy bằng văn chương tại Đại học Brown, từng làm cố vấn cho Strobe Talbot, sau đó làm trợ lý cố vấn an ninh cho cựu phó Tổng Thống Hoa Kỳ Dick Cheney. Bà cũng từng làm Lãnh sự Hoa Kỳ tại Cộng hòa Mông Cổ và Quảng Châu Trung Quốc. Victoria Nuland nói giỏi tiếng Nga, tiếng Pháp và chút đỉnh tiếng Hoa. Trước khi được cử làm phát ngôn viên Tòa Bạch ốc vào tháng 11/2011, bà làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Khối Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).
http://thoibao-online.com/the-gioi/tin- ... h-ca-hoa-k

Tân Sơn Hòa chuyển

No comments:

Post a Comment