Aug 9, 2012

• Chiến lược bành trướng năng lượng của Trung Quốc: Ván cờ đầy bất trắc




Giàn khoan của Tập đoàn Dầu hỏa Trung Quốc CNOOC.
REUTERS

TC gọi thầu quốc tế thăm dò dầu khí ở 9 lô trên Biển Đông. Tập đoàn CNOOC của TC thông báo mua lại Nexen của Canada để làm chủ nhiều giếng dầu trên thế giới. Ấn Độ, Nga và Hoa Kỳ theo dõi sát chiến lược bành trướng về năng lượng của Bắc Kinh.

Ngày 19/07/2012, tập đoàn dầu khí nhà nước của Ấn Độ, ONGC Videsh thông báo duy trì hợp tác với Petro Vietnam, đặc biệt là sẽ cùng với đối tác Việt Nam tiếp tục thăm dò dầu khí ở lô 128 tại vùng Biển Đông. Phía Việt Nam đã yêu cầu Ấn Độ duy trì đầu tư tại lô 128 sau khi tập đoàn dầu khí TC CNOOC gọi thầu quốc tế tại 9 lô, trong đó có lô 128 nằm trong vùng lãnh hải Việt Nam.

Trước đó hai ngày, trong chuyến công du nước Nga, vào trung tuần tháng chủ tịch nước, Trương Tấn Sang và tổng thống Vladimir Putin tuyên bố : Nga và Việt Nam tăng cường hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam.



Về phía TC, cũng lại CNOOC, vào hôm 23/07/2012 tập đoàn này thông báo kế hoạch chi hơn 15 tỷ đô la Mỹ để mua lại một phần tập đoàn dầu khí Canada. Nexen đang làm chủ và khai thác nhiều giếng dầu trên thế giới, từ Bắc Hải của Anh Quốc đến Vịnh Mexico của Hoa Kỳ.

Phải chăng vì muốn tăng cường vị thế của CNOOC tại Canada, Nigeria, trong vùng Vịnh Mêhicô sát bờ biển Hoa Kỳ, ở khu vực Bắc Hải mà tập đoàn TC đã chấp nhận mua lại Nexen của Canada với giá cao hơn giá thị trường đến 61 % ?

Sau một thời gian sao nhãng, Hoa Kỳ đã giật mình trước khả năng TC một khi mua lại Nexen sẽ với tới những giếng dầu của Mỹ trong vùng Vịnh Mêhicô. Quốc hội Mỹ đòi cứu xét hồ sơ CNOOC mua lại Nexen. Trước mắt chính quyền Canada chưa lấy quyết định sau cùng về đề nghị rất hời của phía TC còn Bắc Kinh thì đang ráo riết mở chiến dịch vận động hành lang để lập pháp Hoa Kỳ không gây trở ngại trên đà « vươn ra thế giới » của tập đoàn dầu khí nhà nước CNOOC.

Chính sách của CNOOC phải chăng là nhằm phục vụ mục đích của TC mở rộng tầm kiểm soát tài nguyên năng lượng của thế giới mà trong đó có cả những khu vực tiềm năng trên thềm lục địa Việt Nam ? Trữ lượng dầu khí tại khu vực Biển Đông đang thu hút chú ý của tất cả các siêu cường thế giới, từ Nga, đến Mỹ, từ Ấn Độ đến TC. Hồ sơ năng lượng, không chỉ đơn thuần là một vấn đề kinh tế mà còn liên quan cả đến vấn đề an ninh và chiến lược.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, lần lượt phân tích về những ý đồ của tập đoàn dầu khí Trung Quốc nói chung và đối với khu vực dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam nói riêng. Theo quan điểm của ông đây là một « ván cờ đầy bất trắc » khi có ngần ấy nước lớn trên thế giới quan tâm.

Ô. Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng đây là một cuộc chơi đầy bất trắc cho ngần ấy tác nhân trong cuộc và nếu nhìn thấy những rủi ro bất trắc ấy, may ra ta sẽ hiểu ra nước cờ của thiên hạ.

Trước hết, người ta thường nghĩ rằng vùng biển Đông Nam Á, tức là Đông hải của Việt Nam hay biển Hoa Nam của TC, có một trữ lượng dầu thô và khí đốt rất lớn ở bên dưới. Thật ra, tất cả chỉ là dự đoán và trung bình thì phải mất vài chục triệu đô la thăm dò ở ngoài khơi thì mới biết được là dưới đáy biển có bao nhiêu triệu thùng dầu thô hay bao nhiêu tỷ thước khối khí đốt. TC có ưu thế tài chính hơn các nước đang cùng tranh chấp về chủ quyền nên có thể dám chi tiền để thăm dò. Nhưng không nhất thiết là họ sẽ có lời trong chuyện khai thác này.

Thứ hai, và đây mới là vấn đề đáng chú ý, TC không chỉ cho tập đoàn CNOOC tìm dầu dưới biển mà còn muốn mời doanh nghiệp quốc tế cùng liên doanh với CNOOC trong nghiệp vụ đầu tư có rủi ro này để qua đó khẳng định chủ quyền của họ trên các vùng biển đang tranh chấp với các nước Đông Nam Á, trước tiên là với Việt Nam và Philippines.

:?: RFI: Anh nhắc đến tập đoàn CNOOC, hiện CNOOC cũng đang thương lượng để mua lại tập đoàn dầu khí của Canada là Nexen với giá hơn 15 tỷ đô la Mỹ, cao hơn đến 60 % so với trị giá của tập đoàn này trên thị trường. Kế hoạch mua lại Nexen đó của CNOOC có liên hệ gì đến tranh chấp về chủ quyền tại Biển Đông hay không?

:mrgreen: Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng có nhưng lại kết luận ngược là vì "già quá mà hóa dại"! Tôi xin được giải thích như sau:

Canada có tài nguyên năng lượng dồi dào và đã tính bán cho Mỹ. Tai họa của Mỹ trong mùa bầu cử là Chính quyền Barack Obama lại bác bỏ dự án lập ra hệ thống ống dẫn dầu khí Keystone từ tỉnh Alberta của Canada qua tám tiểu bang của Mỹ vì lý do bảo vệ môi sinh là điều tôi cho là lố bịch và nông cạn. Hậu quả là chính quyền và doanh nghiệp Canada thất vọng và đấy là cơ hội cho CNOOC nhảy vào đề nghị mua tổ hợp Nexen của Canada với giá còn cao hơn giá trị trường.

Qua nước cờ của CNOOC, TC muốn thụ đắc công nghệ thăm dò và khai thác năng lượng dưới đáy biển để có thể nhờ đó tìm thêm năng lượng của họ ở bên trong. Nhưng mục tiêu quan trọng hơn vậy là nhờ làm chủ kỹ thuật mới, TC trở thành đối tác có lợi thế hơn các doanh nghiệp Việt Nam hay Philippines hầu có thể cùng doanh nghiệp quốc tế chia chác quyền lợi trên chín lồ dầu họ đòi rao bán.

Thứ ba là nhờ kiến năng hiện đại, TC còn muốn là qua tổ hợp Nexen sẽ làm chủ các giếng dầu của Anh ở Bắc Hải, của Mỹ trong Vịnh Mexico và các giếng dầu khác của Nexen trên thế giới, kể cả ngoài khơi Canada. Lợi thế thứ tư là nếu kiểm soát được nguồn cung cấp năng lượng, họ cũng có thể chi phối giá dầu quốc tế, kể cả giá dầu tại Hoa Kỳ.

Nhưng tham vọng lớn lao ấy lại khiến các nước giật mình và nghĩ lại. Hoa Kỳ là một nước đang nghĩ lại vì năm 2005 đã từng bác bỏ đề nghị của CNOOC đòi mua tổ hợp Unocal của Mỹ.

:?: RFI: Bây giờ chúng ta chuyển qua chuyện Ấn Độ và dự án liên doanh với Việt Nam để thăm dò lô dầu 128. Anh giải thích thế nào về quyết định mới đây của New Delhi ?

:mrgreen: Nguyễn-Xuân Nghĩa: Doanh nghiệp ONGC Videsh của Ấn có hai dự án liên doanh với Việt Nam trên hai lô dầu 127 và 128. Khi thăm dò như vậy thì tốn kém và họ đã mất 45 triệu đô la mà chưa thấy triển vọng. Vì vậy, hai tháng trước đây, Ấn Độ tính rút khỏi lô 127 và cân nhắc về lô 128 trong khi Việt Nam cố thuyết phục họ ở lại. Thế rồi quyết định của TC là đem chín lô trên thềm lục địa của Việt Nam ra gọi thầu lại làm Ấn Độ bị kẹt.

Vì lý do kinh doanh không có lời mà triệt thoái thì ai cũng thông cảm. Nhưng khi TC nhảy vào một nơi mà Ấn Độ đang liên doanh với Việt Nam thì việc triệt thoái của Ấn lại có ý nghĩa ngoại giao, như phải bỏ chạy vì sợ đụng độ với TC.

Chính là thái độ của TC mới khiến Ấn Độ nêu vấn đề với khối ASEAN và mới đây nhất là với Ngoại trưởng Indonesia là thứ nhất, các nước phải đảm bảo quyền tự do lưu thông ngoài biển, thứ hai là phải tôn trọng quyền khai thác kinh doanh theo đúng luật lệ quốc tế.

Đâm ra TC có thể mua chuộc được xứ Cam Bốt để cho chìm xuồng hồ sơ ứng xử ngoài biển Đông trong thượng đỉnh vừa qua của Hiệp hội ASEAN tại thủ đô Cam Bốt. Nhưng cũng vì thế mà gây phản ứng dội ngược từ các thành viên ASEAN khác và từ Ấn Độ. Nghĩa là Bắc Kinh vừa góp phần xây dựng thế liên kết của các nước ASEAN với nhau và với Ấn Độ.

:?: RFI: Qua phần trình bày của anh thì người ta có thể mường tượng ra một thế liên hoàn hay các vòng xoáy đan kết với nhau mà trung tâm hay trọng tâm lại là Trung Quốc. Tất nhiên là ở bên kia Thái Bình Dương, Hoa Kỳ cũng theo dõi kỹ động thái của Bắc Kinh.

:mrgreen: Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết là một tin mà đài RFI đã loan tải khi Hội đồng Kiểm soát Chứng phiếu SEC của Mỹ lập tức tiến hành thủ tục truy tố một doanh nghiệp TC có hội sở tại Hong Kong về tội giao dịch qua nội tuyến. Cụ thể là doanh nghiệp Well Advantage Limited này đã có thể biết trước về việc CNOOC mua tổ hợp Nexen của Canada với giá cao nên mới gom trước cổ phiếu của Nexen. Hội đồng SEC của Mỹ còn phong tỏa tài sản của các tay giao dịch cổ phiếu đã dùng tài khoản ở Hồng Kông và Singapore để kiếm ra 13 triệu đô là tiền lời nhờ cổ phiếu Nexen trước khi có tin CNOOC đòi mua Nexen. Thật ra, đấy chỉ là chuyện nhỏ của giới đầu tư có quan hệ với CNOOC nên đã nhân cơ hội kiếm lời lặt vặt.

Chuyện lớn là phía Hoa Kỷ cũng biết CNOOC tức là TC đã thuê hai công ty vận động hành lang chính trị Mỹ để tác động vào Quốc hội Hoa Kỳ hầu khỏi gặp trở ngại trong việc mua tổ hợp Nexen. Tổ hợp này có tài sản là những giếng dầu của Mỹ trong Vịnh Mexico. Khi CNOOC mua Nexen và làm chủ các giếng dầu này thì Chính quyền Mỹ, cụ thể là Hội đồng SEC và Ủy ban Đầu tư Nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ, phải cứu xét và đề nghị biện pháp ứng phó nếu mà việc thụ đắc ấy xâm phạm vào quyền lợi Hoa Kỳ. Khi ấy, Bắc Kinh sẽ phải đàm phán và có khi chấp nhận những nhượng bộ kinh tế khác, như Nghị sĩ Dân chủ tại New York là ông Charles Schumer đã gợi ý cho Tổng trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner.

Cho nên vấn đề không chỉ là CNOOC kéo dàn khoan và mời chào quốc tế vào khai thác năng lượng trên thềm lục địa của Việt Nam. Vấn đề cũng chẳng là nâng cấp bộ hành chính của thành phố Tam Sa chơ vơ ngoài Đông hải mà cũng chẳng là kéo tầu hải giám hay chiến hạm vào uy hiếp các nước. Vấn đề ở đây là sự ngang ngược của Trung Quốc đã gây phản ứng ngược của thế giới và đấy là một sự bất trắc cho Bắc Kinh.

:?: RFI: Những bất trắc đó là gì ?

:mrgreen: Nguyễn-Xuân Nghĩa: Lãnh đạo Bắc Kinh đã rất già đòn khi mở ra thế cờ năng lượng ngoài Đông hải đề vừa kiếm dầu khí ở dưới vừa khiến cho các nước ham làm ăn kiếm lời mà mặc nhiên công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các khu vực quần đảo đang có tranh chấp. Thế cờ ấy khiến các nước Đông Nam Á có tranh chấp sẽ phải chọn một trong ba ngả.

Hoặc là hợp tác với CNOOC để chia chác một chút lời thay vì đứng ngoài mà phản đối xuông. Hai là mời một nước thứ ba vào liên doanh với mình để có lực đối trọng với Trung Quốc, như trường hợp liên doanh của Việt Nam với Ấn Độ hay với các doanh nghiệp Âu, Mỹ, Nga sau này. Ngả thứ ba là thắt lưng buộc bụng và ráo riết đầu tư vào công nghệ cao về dầu khí để thu ngắn khoảng cách với TC. Cả ba loại giải pháp này đều có lợi hại riêng và không dễ thi hành.

Nhưng giữa thế cờ phức tạp ấy, TC lại già néo và khiến cho khu vực Đông Nam Á trở thành bất ổn làm cả thế giới đều quan tâm và báo động. Trong hoàn cảnh đó, chưa chắc là các tập đoàn dầu khí quốc tế lại mau mắn nhảy vào để đứng giữa hai ba lằn đạn. Rốt cuộc thì chính TC lại gây ra sự bất trắc khiến các nước đều ngần ngại và đều muốn Hoa Kỳ xác định sự hiện diện quân sự ở trong vùng.

Chưa thấy tổ hợp dầu khí của Mỹ đâu thì đã thấy chiến hạm Hoa Kỳ lảng vảng ở ngoàivới sự cổ võ của các nước từ Nhật Bản, Ấn Độ đến Úc. Trong mùa bầu cử tại Mỹ, cả hai phe đều sẵn sàng nhắm vào mối nguy kinh tế hay an ninh từ TC để huy động cử tri và Bắc Kinh đang cho chính trường Hoa Kỳ một đề mục tranh luận rất hấp dẫn. Chúng ta sẽ còn cơ hội theo dõi những chuyện bất trắc này ở Đông hải.


------------------------




Tuần qua, Trung Quốc khởi sự tuần phòng bằng các đơn vị tác chiến tại khu vực biển chung quanh nơi có tiềm năng giầu có tài nguyên ở quần đảo Trường Sa mà cả Trung Quốc lẫn Việt nam đều có tranh chấp chủ quyền. Và vào hôm thứ Sáu, tờ Trung Quốc Nhật báo đưa tin Trung Quốc có thể triển khai sự hiện diện quân sự tại Tam Sa - một thành phố tân lập ở một đảo trong quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp - được dựng lên để quản trị chủ quyền Trung Quốc trên lãnh thổ quốc gia tại biển Đông. (Thành phố này được thành lập để đáp trả Việt Nam gần đây đã thông qua một đạo luật xác định chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.)

Việc triển khai tuần phòng bằng các đơn vi tác chiến và các bàn thảo xây dựng lực lượng (quân sự) tại Tam Sa theo sát gót lời tuyên bố của Công Ty CNOOC (China National Offshore Oil Company) rằng họ sẽ gọi thầu các công ty năng lượng ngoại quốc để thăm dò và phát triển chín lô mới tại biển Đông nằm trong khu vực 200 hải lý Đặc Quyền Kinh Tế của Việt Nam. Xem chừng sẽ không có công ty ngoại quốc nào hợp tác với CNOOC trong các lô có tranh chấp nếu phải tính đến các rủi ro họ phải gánh chịu nếu họat động ở đấy. Mặc dầu như thế, Bắc Kinh đang đặt họ vào một vị thế thuận lợi hơn để bảo vệ quyền lợi về năng lượng của họ: "Công bố về các lô này như thế phản ảnh một bước khác của TQ nhằm củng cố quyền tài phán của họ trên các vùng biển này," theo lời ông M. taylor Fravel, Giáo Sư Đại Học MIT. 

Diễn trò vì khát nguồn tài nguyên 
Hành động mới đây đã kết nối một chuỗi các sự kiện khác do Trung Quốc gây ra để bảo vệ chủ quyền của họ đối với tiềm năng tài nguyên dầu khí (hydrocarbon) trong vùng. Ước lượng dầu hoả và khí đốt thiên nhiên trong biển Đông chênh lệch rất lớn, từ đánh giá của Hoa Kỳ là 28 tỉ thùng dầu đến đánh giá của Trung Quốc là 213 tỉ thùng dầu. Nhưng không một nước nào biết có những gì nằm bên dưới đáy biển. Quan chức tại Bắc Kinh dường như đang đặt cược rằng biển Đông có thể trở thành "Vịnh Persian thứ nhì", nên họ đangtiến hành cạnh tranh chiến lược trên các vùng có tiềm năng giàu có về năng lượng. Nhưng trong nhiều năm, các nỗ lực xúc tiến điều nghiên để đưa ra các đo lường chính xác hơn về tài nguyên trong khu vực đã bị gây trở ngại bởi tàu thuyền Trung Quốc cản trở các tàu thăm dò và các tàu chuyên đo đạc điạ chấn khác. 

Canh bạc của Trung Quốc trong vùng biển Đông một phần bị lèo lái bởi sự yếu kém chiến lược về việc không có bảo đảm nguồn tài nguyên dầu khí tại các nơi khác. Áng chừng 80% dầu nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Trung đông và Phi châu, phải vận chuyển qua eo biển hẹp Malacca, một điểm chẹn bị kẹp giữa Indonesia và Malaysia, có nguy cơ bị khóa hoặc bị gián đoạn. Trong khi ấy, cơ sở hạ tầng khổng lồ trên đất liền của hệ thống ống dẫn dầu từ Trung Á mang nhiều rủi ro, chuyển vận dầu xuyên qua các quốc gia trung chuyển không ổn định như Parkistan và Burma để chuyển giao cho vùng phía Tây Trung Quốc là các nơi mà Trung Quốc có ảnh hưởng đôi khi rất mong manh. Những nhược điểm này đã góp phần vào cung cách cứng rắn của Trung Quốc tại biển Đông, là nơi mà các quan chức ở Bắc Kinh có vẻ tin tưởng rằng họ có khả năng chiếm lĩnh một vùng có tiềm năng trữ lượng dầu khí lớn, mặc dầu họ chẳng được quốc tế công nhận có chủ quyền trên các nguồn tài nguyên trong khu vực. 

Không chỉ là trò giương oai 
Mặc dù một vài hành vi của Trung Quốc gần đây chỉ có tính giương oai, điều quan trọng là không nên đánh giá thấp lợi ích thực tiễn của việc tuần phòng tác chiến và một căn cứ Hải quân, hoặc một vài sự hiện diện quân sự nào khác tại Tam Sa có thể đem lại cho Bắc Kinh trong tương lai. 

Sẽ đến lúc, Trung Quốc có thể chẳng cần hợp tác với các công ty năng lượng ngoại quốc để khám phá và xây dựng các lô dầu khí tại biển Đông, bao gồm cả những vùng đang bị chống đối. Tính đến nay, các hoạt động khoan dầu ngoài biển khơi của Trung Quốc bị ngăn trở bởi thiếu kỹ năng khoan tại những nơi sâu hơn 300 mét. Nhưng điều này đang thay đổi: vào tháng Năm, CNOOC đã khởi sự đưa vào hoạt động giàn khoan đầu tiên, chưa từng có, cho phép Trung Quốc khoan đến độ sâu giữa 10.000 đến 12.000 mét, là điều có thể khiến họ mạnh dạn tiến hành khoan đơn phương trong các vùng có chống đối ở biển Đông. 

Tiến bộ đột phá của Trung Quốc về công nghệ khoan dầu tại biển sâu (dù chưa được kiểm nghiệm) có thể gia tăng mối lo cho các quốc gia khác trong vùng về việc Trung Quốc sẽ là kẻ đầu tiên khai thác tài nguyên trong khu vực. Điều này có thể sẽ làm gia tăng các toan tính của các quốc gia khác nhằm ngăn chặn các hoạt động khoan dầu và khí đốt. Các đơn vị tác chiến tuần phòng và những sở hữu quân sự khác có khả năng giúp bảo vệ các hoạt động này khỏi bị phá hoại và củng cố sự khống chế của Trung Quốc trên những nguồn tài nguyên tại biển Đông. Với nhãn qua đó, các động thái mới đây của Trung Quốc có mục tiêu thực tiễn nhiều hơn là theo các nhà quan sát đã nhầm tưởng. Và có thể là Bắc Kinh đang có kế hoạch y như thế. 

Nguồn: Christian Monitor: Beijing flexes some muscle to protect energy interests 2/8/2012. 
Người dịch: Trung Cang (Như Cây Tre Việt Nam blog) 


-----------------------------




Trong tuần lễ rồi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã ra văn bản khuyến cáo một loạt động thái “nhằm siết chặt kiểm soát” Biển Đông của Trung Quốc. Đáp trả sự quan tâm của Hoa Kỳ, vào cuối tuần, Trung Quốc đã cho triệu tập ông Robert Wang, US charge d’affaires, để bày tỏ “thất vọng và phản đối mạnh mẽ.” Ông Trương Côn Thịnh, Trợ Lý Ngoại Trưởng Trung Quốc, còn nói “Phát ngôn [của phía Mỹ] hoàn toàn không tôn trọng sự thật, làm phải trái lẫn lộn và gửi đi một thông điệp sai lầm nghiêm trọng... Điều này không có lợi đối với nỗ lực của các bên liên quan để duy trì hòa bình và ổn định ở Nam Hải cũng như rộng hơn là cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương.” (Nguồn: BBC)

Theo Patti Waldmeir và Kathrin Hille trong bài viết US and China Argue over South China Sea (Nguồn: Financial Times, Updated August 5, 2012, 10:04 A.M.), hôm Thứ Sáu, ngày 4 tháng 8, ông Tần Cương (Qin Gang), Phát Ngôn Viên của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã phát biểu “Tại sao Hoa Kỳ có thể giả đui trước những sự thật là có một số nước đã mở thầu một số lô dầu khí và ra những đạo luật nhằm chiếm đoạt một cách phi pháp biển đảo của Trung Quốc?... Tại sao Mỹ lại né tránh việc một số nước cho chiến hạm đe dọa ngư dân Trung Quốc cũng như những tuyên bố chủ quyền không thể biện minh của họ đối với đảo của Trung Quốc?”

Nếu như biển đảo thực sự là của Trung Quốc thì lời cáo buộc “Hoa Kỳ giả đui... không tôn trọng sự thật, làm phải trái lẫn lộn” của ông Tần Cương và Trương Côn Thịnh là có cơ sở. Nhưng ở đây cái mà ông Cương và ông Thịnh cho là “sự thật” lại “không phải là sự thật.”

Sự thật là TRUNG QUỐC HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ CHỦ QUYỀN TRONG VÙNG TRANH CHẤP, DẦU LÀ CĂN CỨ THEO PHÁP LÝ QUỐC TẾ HAY CĂN CỨ THEO LỊCH SỬ. Sự thật là Trung Quốc đang cố tình làm cho phải trái lẫn lộn.

Trung Quốc hiểu rõ là họ không có cơ sở để thiết lập chủ quyền dựa trên pháp lý quốc tế. Chính vì vậy cho nên họ luôn bám chặt vào cụm chữ “lịch sử... hai ngàn năm... không thể tranh cãi” kèm theo cái lưỡi bò chín đoạn. 

Và họ đã có một loạt động thái nhằm thiết lập “chuyện đã rồi” để trong tương lai sẽ dùng “cái đoạt được từ chuyện đã rồi” này làm cơ sở thiết lập chủ quyền dựa trên pháp lý quốc tế, với sức mạnh của quả đấm đi kèm. 

Trung Quốc đã và đang vận dụng bộ máy tuyên truyền của họ để dẫn dư luận thế giới theo hướng “tranh chấp chủ quyền.” Tuy là họ không lừa bịp được những chuyên gia tinh tế và những nhà lãnh đạo quốc gia trên thế giới, nhưng số lượng quần chúng trên thế giới đồng tình với “âm mưu” của họ có lẽ không phải là số ít.

Nếu mọi người tiếp tục “đặt vấn đề” trong cái khung “tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc" thì mọi người đã gián tiếp công nhận Trung Quốc là “một đối tượng trong những đối tượng” nằm trong danh sách đàm phán tranh chấp chủ quyền, tức là gián tiếp công nhận “tư cách sở hữu” của Trung Quốc mà đúng ra họ hoàn toàn không có một chút sở hữu nào trong vùng Biển Đông đang tranh chấp giữa những nước còn lại. Nói một cách khác, họ đã thành công trong việc làm phù phép để biến cái không ra cái có. 

Trung Quốc đang diễn tuồng tranh chấp bằng cách “nói như là có quyền sở hữu, làm như là có quyền sở hữu, và đòi đàm phán như là có quyền sở hữu” để dẫn cả thế giới vào mê hồn trận “tranh chấp chủ quyền” trên Biển Đông. Nhưng chiến sách ảo này thực ra là để che đậy một chiến sách thực: xâm lược trá ngụy. Nói một cách khác: TRUNG QUỐC ĐANG XÂM LƯỢC BIỂN ĐÔNG NGỤY TRANG DƯỚI HÌNH THÁI TRANH CHẤP LÃNH HẢI. 

Thế giới và nhân dân Việt Nam cần nhìn thấy chiến sách xâm lược trá ngụy này của Trung Quốc và cần có đối sách thích ứng hơn. Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ thấy rõ chiến sách này của Trung Quốc và Hoa Kỳ đang chờ đợi nhân dân Việt Nam cùng nhân dân của các nước trong khối Asean “đặt vấn đề” trong một cái khung khác, “khung Trung Quốc xâm lược Biển Đông.”

Nhân dân Việt Nam cần phải mạnh mẽ vạch mặt TRUNG QUỐC ĐANG XÂM LƯỢC BIỂN ĐÔNG NGỤY TRANG DƯỚI HÌNH THÁI TRANH CHẤP LÃNH HẢI. Nhân dân Việt Nam cần xuống đường để thể hiện sự phản đối mạnh mẽ và gióng lên tiếng chuông cảnh báo với toàn thế giới là TRUNG QUỐC ĐANG XÂM LƯỢC BIỂN ĐÔNG NGỤY TRANG DƯỚI HÌNH THÁI TRANH CHẤP LÃNH HẢI. Những ngôn ngữ phản đối thụ động như là “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam” hoặc “No U” không đủ sức để phơi bày ý đồ xâm lăng của Trung Quốc. Và tệ hơn là tiếp sức để dẫn dư luận thế giới đi sâu hơn vào trận ảo “tranh chấp chủ quyền” mà Trung Quốc âm mưu bày bố. 

Thêm vào đó, nhân dân Việt Nam cần khuyến khích “sự liên thủ và chia sẻ quyền lợi giữa các nước đang tranh chấp” (ngoại trừ Trung Quốc) để cô lập tên khổng lồ xấu xa. Vận dụng “cái không thể độc chiếm và khó có thể giữ hết cho mình” để kiến tạo MỘT LIÊN MINH QUÂN SỰ VÀ KINH TẾ nhằm kềm chế “lâu dài và hiệu quả” tham vọng của tên khổng lồ xấu xa là điều cần phải thực hiện. 

Bên cạnh mặt trận chính trị - quân sự - ngoại giao, nhân dân cần phải “đánh” cả mặt trận văn hóa và lịch sử. Nhân dân cần “thách thức” những “kiến thức kinh điển” của các học giả/ trí thức “Hoa tâm”. Nhân dân cần truy lại cội nguồn dân tộc và xét lại lịch sử cổ đại và cận đại.

Nhân tiện tôi cũng xin thưa cái gọi là “lịch sử... hai ngàn năm... không thể tranh cãi” CÓ THỂ TRANH CÃI. Những khám phá khoa học trong vài thập niên gần đây đã giúp cho những học giả trẻ không thuộc trường phái “Hoa tâm” có cơ hội lật ngược lại lịch sử. Nếu người Trung Quốc muốn truy ngược lại hai ngàn năm lịch sử để đòi chủ quyền thì chúng ta cũng nên dạy cho họ biết là từ hơn mười ngàn năm trước, trước khi đám con lai Hoa Hạ ra đời và sau đó tự xưng là Hán tộc, các tộc Bách Việt đã có mặt trên vùng đất Trung Nguyên để mở cõi và khai hoá phương Bắc. Như vậy, một phần lớn của đất Trung Hoa ngày nay là của, và ngay cả nguồn gốc văn hóa Trung Hoa là phát xuất từ, các tộc Việt xưa, mà dân tộc Việt Nam ngày nay là hậu duệ chính thống. Chúng ta cũng có thể nói như họ là chúng ta có bằng chứng “lịch sử... trên mười ngàn năm... không thể tranh cãi”. (Nguồn: Tìm Cội Nguồn Qua Di Truyền Học, sách khảo luận của Hà Văn Thùy, NXB Văn Học, xuất bản bản năm 2011, nhà in Song Nguyên; Hành Trình Tìm Lại Cội Nguồn, sách nghiên cứu và đối thoại của Hà Văn Thùy, NXB Văn Học, xuất bản năm 2008, nhà in Fahasa; Giải Mã Tranh Ngũ Hổ Hàng Trống của TS Hà Hưng Quốc, Blog Vườn Ươm Việt Dịch, 
http://www.vietdich.blogspot.com; 

Bách Việt Sử: Những Lớp Bụi Mờ Của Lịch Sử của Đỗ Thành ... http://www.anviettoancau.net
Hoàng Và Viêm Là Hoẳng Và Chim Trong Trống Đồng của tác giả Đỗ Thành ... http://www.anviettoancau.com
Phát Hiện Chữ Việt Cổ ở Quảng Tây, do Lí Nhĩ Chân đưa tin trên ... news.xinhuanet.com
Phát Hiện Lại Việt Nhân Ca, của Đỗ Thành ... http://www.nguyenthaihocfoundation.org
Kinh Dịch Là Di Sản Sáng Tạo Của Việt Nam, của Nguyễn Thiếu Dũng ... http://www.anviettoancau.net
Kinh Dịch: Sản Phẩm Sáng Tạo Của Nền Văn Hiến Âu Lạc, của Trần Quang Bình ... www.vietsciences.free.fr/vietnam/vanhoa/kinhdich/1.htm

Nguyễn Trung Chính
http://danlambaovn.blogspot.com/


No comments:

Post a Comment