Nov 20, 2013

• Ở Trung Quốc giới lãnh đạo đang lo sợ lặp lại số phận của Liên Xô



Vài lời của người dịch - Hoàng Trường Sa (Danlambao): Sau đây là bài của nhà báo Nga Vasili Golovnin, hiện ở Tokyo, đăng trên Echo Moskva ngày 17.11.2013. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc để thấy rõ giới lãnh đạo Trung Quốc hiện đang lo sợ lặp lại số phận của Liên Xô. Qua bài này, bạn đọc thấy rõ những biện pháp “be bờ” về công tác tư tưởng và tăng cường an ninh của ĐCSTQ đang thực hiện để cố tránh một sự sụp đổ trong tương lai giống như Liên Xô. Cũng qua bài này, bạn đọc càng thấy rõ ban lãnh đạo ĐCSVN, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã và đang mù quáng rập khuôn theo quan thầy Bắc Triều như thế nào. Họ cố nhắm mắt trước thực tế phũ phàng đối với họ về nguyên nhân nội tại làm Liên Xô sụp đổ chính là vì chủ nghĩa Marx-Lenin đã không còn sức sống, chính là vì cái “chủ nghĩa xã hội-chuyên chính vô sản” đã rệu rã đến mức cùng cực, không còn đứng vững được nữa nên phải sụp đổ tan tành. 

Những biện pháp “be bờ” về công tác tư tưởng có tính bịp bợm và an ninh có tính khủng bố đều không thể nào ngăn cản nổi sự sụp đổ mà chỉ kéo dài thêm nỗi đau khổ của nhân dân và càng tạo thêm điều kiện cho bọn bành trướng phương Bắc xâm chiếm nước ta. Cái Hiến pháp của ĐCSVN sắp thông qua bất chấp sự phản đối của Nhân dân, để áp đặt cho Đất nước và Nhân dân ta một chế độ độc tài toàn trị nhằm duy trì sự thống trị của một băng đảng tham nhũng, tỷ phú đỏ và cường hào ác bá mới mà mọi người đã rõ bộ mặt của chúng, sẽ càng tạo thêm những mâu thuẫn đối kháng và càng nhanh chóng đẩy chế độ đó đến ngày cáo chung.

Người dịch: Hoàng Trường Sa (Kiev) 

Vasili Golovnin - Các nhà cầm quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) bỗng dưng quan tâm nghiên cứu những nguyên nhân và những bài học sự sụp đổ của Liên Xô. Mọi sự đều được tổ chức một cách quy mô lớn lao theo kiểu Trung Quốc, trong khuôn khổ cơ chế học tập trong đảng được tổ chức rất chặt chẽ. Việc học tập này thu hút toàn bộ giới cán bộ lãnh đạo và các đảng viên thường ở địa phương. Xin nhắc lại rằng trong hàng ngũ của ĐCSTQ có đến trên 85 triệu đảng viên.

Giới am hiểu tình hình cho biết rằng từ tháng 9 vừa qua, tại các buổi học tập của đảng cũng như tại các cuộc họp của đảng, người ta đều chiếu bộ phim “20 năm kể từ ngày Đảng và Nhà nước Xô Viết sụp đổ”. Phim này do cơ quan lãnh đạo tư tưởng chủ yếu của Trung Quốc là Viện hàn lâm khoa học xã hội xây dựng.

Trong phim đó kể lại ĐCSLX đã mất lòng tin sâu sắc vào những lý tưởng của chủ nghĩa xã hội như thế nào, đảng đã tha hóa và mất vai trò trung tâm của mình trong xã hội. Gorbachev cũng bị phê phán nặng nề - “ông ta đã quay lưng lại trước những ước vọng của nhân dân”, mà hơn một nữa ước vọng đó - như bộ phim đó khẳng định - đã được chế độ tồn tại hồi đó thỏa mãn. Thế nhưng, ban lãnh đạo ĐCSLX đã vứt bỏ chính cái khái niệm “chủ nghĩa xã hội”, họ đã có những quyết định không đúng đưa đến tai họa. Tai họa đó là “bi kịch vĩ đại của thời đại hiện nay”.

Sau khi xem phim, người ta tổ chức thảo luận, còn các cán bộ tư tưởng thì giải thích: điều quan trọng là từ sự sụp đổ của Liên Xô ta phải rút ra được những bài học đúng đắn. Những bài học đó chính là: củng cố lòng trung thành đối với các lý tưởng và khắp nơi cũng như trong mọi lĩnh vực phải giữ được vai trò đứng đầu không lay chuyển của đảng.

Như người ta đã loan báo, bắt đầu chiến dịch đó là một cuộc hội nghị bàn về các vấn đề tư tưởng do Tổng bí thư TƯ ĐCSTQ và Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình chủ trì ngày 19 tháng 8 năm nay. Các bạn hãy chú ý đến ngày tháng - đó chính là ngày mà hồi năm 1991 ở Liên Xô đã xảy mưu toan một cuộc đảo chính kết thúc bằng việc thủ tiêu quyền lực của ĐCSLX và giải thể Liên Xô. Người Trung Quốc coi trọng các biểu tượng lắm, và có thể không phải là ngẫu nhiên mà người ta chọn ngày đó để tiến hành hội nghị và thông qua một văn kiện đòi hỏi phải giáo dục dân chúng một cách nhất quán những giá trị của chủ nghĩa xã hội.

Hiện nay, trên các tờ báo trung ương của CHNDTH người ta thường có những bài kêu gọi tăng cường đoàn kết và không lặp lại những sai lầm của Liên Xô. Chẳng hạn như tờ “Nhân dân nhật báo” viết: “Đảng của Liên Xô và các nước Đông Âu đã mất quyền lực vì họ đã vứt bỏ vai trò đứng đầu trong lĩnh vực tư tưởng”.

Nhân thể nói thêm, sau những sự kiện ở Liên Xô hồi năm 1991, ở Trung Quốc người ta đã tiến hành một chiến dịch công tác tư tưởng rộng lớn trong khuôn khổ những đợt học tập trong đảng. Hồi đó, người ta khẳng định rằng quyền lực của ĐCSLX bị thủ tiêu là kết quả của chiến lược “diễn biến hòa bình” mà phương Tây đã thực hiện bằng cách gieo rắc “tính chất tư sản” vào Liên Xô.

Đằng sau những việc đó tất nhiên là cái cảm giác về mối hiểm họa ngày càng tăng: Trung Quốc ngày càng cởi mở hơn và làn sóng của “tính chất tư sản” khét tiếng đó trong nước ngày càng tiếp tục lớn mạnh hơn chừng nào thì tầng lớp trung gian ở đô thị lại càng vững vàng hơn. Vì thế trong thời đại Internet, rất khó mà giữ được lòng tin sắt đá theo kiểu Pavel Korchagin (1) mà ở nước CHNDTH người ta đánh giá rất cao, nơi mà phim của Hollywood được chiếu rộng rãi, việc đi ra nước ngoài và quảng cáo mỹ phẩm cho nam giới gần như hoàn toàn tự do.

Cái cảm giác khủng hoảng kinh tế cũng có cả trong uẩn khúc kinh tế: các nhà cầm quyền Trung Quốc phải thật thà thừa nhận là mô hình phát triển đất nước đã không còn thích dụng nữa, mặc dù trước đây nó đã tỏ ra rất thành công. Thay vì ra sức mãnh liệt phát triển theo chiều rộng dựa trên việc sử dụng khối lực lượng lao động vĩ đại rẻ mạt và thiếu học, thay vì rót tiền vào những dự án thiết kế khổng lồ, đã đến lúc phải chuyển sang những công nghệ kỹ nghệ phức tạp. Phải chuyển sang sự phát triển dựa trên nhu cầu ổn định trong nước của dân cư đang giàu lên, dựa trên sáng kiến của giới doanh nhân tư nhân, chứ không phải dựa trên những tập đoàn quốc doanh tham nhũng và không linh hoạt. Thế nhưng, mỗi người cộng sản đều biết rằng ngay cả nhà tư sản trung thực đi nữa cũng là một kẻ thù tiềm năng của họ. Chính vì thế, giới kinh doanh không quốc doanh (tư nhân) ở nước CHNDTH bị hạn chế, họ bị kìm hãm trong việc vay tín dụng, còn trong nước thì không có quyền sở hữu tư nhân về đất đai.

Ban lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc (nhất là Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường) đã nhiều lần nói về ý định tiếp tục và làm sâu sắc hơn quá trình cải cách và chuyển những cải cách đó lên cấp độ chất lượng mới. Người ta chờ đợi những nghị quyết to lớn loại đó tại cuộc hội nghị lần thứ 3 của TƯ ĐCSTQ vừa diễn ra. Nhưng, nghị quyết của hội nghị được công bố mấy ngày sau những cuộc họp kín, nói chung thì khá tù mù. Trong các nghị quyết đó nói về sự cần thiết phải làm những cải cách mới, nói về tầm quan trọng phải mở rộng vai trò điều chỉnh của thị trường, nhưng vẫn không nói gì đến nội dung cụ thể của những cải tạo sắp được tiến hành. Hình như ban lãnh đạo Trung Quốc đang căng thẳng suy nghĩ họ có thể đi xa đến mức nào trong việc thực hiện những biến đổi cần thiết, nhưng cực kỳ nguy hiểm đối với hệ thống thống trị của đảng.

Nhân thể xin nói thêm, theo như kết quả hội nghị TƯ ĐCSTQ vừa nói trên, người ta đã công bố thành lập ở Trung Quốc (xin chú ý!) Ủy ban An ninh quốc gia. Chắc là tổ chức này không giống như KGB của Liên Xô, mà là một tổ chức trung ương gì đó có nhiệm vụ tăng cường sự phối hợp hoạt động của cảnh sát và cơ quan mật vụ. Như vậy thì củng cố sự thống nhất ở Trung Quốc sẽ không chỉ bằng các phương pháp học tập trong đảng và nghiên cứu những sai lầm nguy hại của Liên Xô đã tiêu vong rồi mà thôi đâu./.

Vasili Golovnin, nhà báo, Tokyo
Nguồn: echo.msk.ru 17,11.2013 
Người dịch:


__________________________________


1. Pavel Korchagin - nhân vật trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai Ostrovski (1904-1936). Về sau truyện đã được dựng thành phim. Cuộc đời của chàng trai này đã cống hiến hết mình cho công cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa cộng sản và hạnh phúc của người lao động, đã trở thành lý tưởng cho một vài thế hệ người Xô-viết noi theo. Nhiều bạn đọc Việt Nam cứ tưởng rằng đây là nhân vật có thật.


No comments:

Post a Comment