May 31, 2014

• Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ mặt Trung Quốc gây bất ổn tại Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ mặt Trung Quốc gây bất ổn tại Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phát biểu tại Diễn đàn an ninh khu vực Shangri-La - REUTERS /Edgar Su
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phát biểu tại Diễn đàn an ninh khu vựcShangri-La - REUTERS /Edgar Su

Anh Vũ
Sau Thủ tướng Nhật Bản, hôm nay 31/5/2014, tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lên tiếng tố cáo mạnh mẽ Trung Quốc đang có « những hành động đơn phương gây bất ổn » tại Biển Đông đồng thời cảnh báo Washington sẽ không thụ động nếu trật tự thế giới bị đe doạ.

Tại Diễn đàn An ninh Khu vực Châu Á Thái Bình Dương Shangri-La, trước sự có mặt của các đại diện quốc phòng nhiều nước châu Á, trong đó có Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung, lãnh đạo Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố: « Những tháng vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành những hành động đơn phương gây bất ổn trên Biển Đông ».

Ông Chuck Hagel nhấn mạnh : « Chúng tôi kiên quyết chống lại bất cứ hành động khiêu khích, gây hấn hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để khẳng định chủ quyền từ bất cứ quốc gia nào" , đồng thời ông chỉ rõ « các nguyên tắc căn bản của trật tự thế giới » phải được bảo đảm.

Trước những chỉ trích mạnh mẽ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung đang có mặt tại Shangri-La đã phản ứng lại cho rằng phát biểu của bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ không có cơ sở, đồng thời tố ngược lại lời lẽ của ông Chuck Hagel là mang đầy nội dung « bá quyền, khiêu khích, hăm doạ » và không mang tính xây dựng.

Không chỉ trên Biển Đông với việc đơn phương đưa giàn khoan dầu vào hoạt động sâu trong thềm lục địa của Việt Nam, trong những ngày qua, Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn trên không tại vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản khiến tình hình khu vực thêm căng thẳng.

Các hành động bá quyền của Trung Quốc với các nước láng giềng là chủ đề nóng tại hội nghị an ninh châu Á Thái Bình Dương kéo dài ba ngày. Đối thoại Shangri-La đã trở thành diễn đàn để các nước tập trung tố cáo những hành vi gây căng thẳng trong khu vực của Bắc Kinh.

Ông Chuck Hagel nhân diễn đàn Shangri-La một lần nữa khẳng định lại sự ủng hộ của Mỹ đối với Nhật Bản.

Shangri-la: Mỹ ủng hộ kế hoạch "phòng vệ tập thể" của Nhật

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phát biểu tại Diễn đàn An ninh Khu vực Shangri-La, Singapore - REUTERS /Edgar Su
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phát biểu tại Diễn đàn An ninh Khu vực Shangri-La, Singapore - REUTERS /Edgar Su

Tú Anh
Chiến lược an ninh khu vực của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được Hoa Kỳ công khai hậu thuẫn. Tại Diễn đàn an ninh khu vực Shangri-La, Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố Nhật Bản sẽ phải năng động hơn trong vai trò bảo vệ an ninh khu vực và Hoa Kỳ hết lòng yễm trợ.

Theo AFP, tại Diễn đàn an ninh khu vực khai mạc vào ngày hôm qua 30/05 ở Singapore, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố là Nhật Bản sẽ tích cực hơn trong việc bảo vệ an ninh khu vực theo như các nguyên tắc mới đã được sửa đổi về vai trò của quân đội mà Nhật Bản vẫn gọi là « tự vệ đội ».

Bình luận về lời tuyên bố này của lãnh đạo Nhật Bản, cũng ngay tại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, một cách mạnh mẽ nhất, ủng hộ quan điểm của Tokyo. Chủ nhân Lầu năm góc tuyên bố với các đồng nhiệm, chuyên gia, tướng lãnh vùng Châu Á-Thái Bình dương là Hoa Kỳ ủng hộ nỗ lực của Nhật « tái phối trí kế hoạch Phòng Vệ Tập Thể theo chiều hướng năng động kiến tạo hòa bình và trật tự khu vực ».
Một cách cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cho biết là Hoa Kỳ và đồng minh Nhật Bản đã « bắt đầu xem xét lại các đường lối chỉ đạo chung » lần đầu tiên từ hai thập kỷ. Nỗ lực chung này nhằm bảo đảm cho liên minh Mỹ-Nhật phát triển phù hợp với tình hình an ninh khu vực và nâng cao khả năng ứng phó của quân đội Nhật.

Trước đó, theo trình bày của Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản cũng như Đông nam Á đang bị Trung Quốc gây hấn. Trong tình huống này, Tokyo phải có khả năng đối trọng với Bắc Kinh và phải năng động hơn hiện nay.

Theo sách lược « phòng vệ tập thể », quân đội Nhật không bắt buộc phải chờ bị đối phương tấn công trước mà có thể ra tay trước nếu một « đơn vị bạn » bị đe dọa.

Căng thẳng biển Hoa Đông : Mỹ cảnh cáo Trung Quốc

Máy bay tuần tra Nhật Bản OP -3C (DR)
Máy bay tuần tra Nhật Bản OP -3C (DR)

Thụy My
Hoa Kỳ hôm 29/05/2014 đã cảnh cáo Trung Quốc trước tình hình căng thẳng tại không phận quốc tế, sau khi một máy bay tiêm kích Trung Quốc bay sát các phi cơ quân sự Nhật Bản phía trên biển Hoa Đông, nơi Nhật-Trung đang tranh chấp chủ quyền biển đảo.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích : 
« Tất cả các mưu toan ngăn trở tự do lưu thông trên không phận quốc tế làm tăng thêm căng thẳng, gây nguy cơ phán đoán sai, đối đầu và các sự cố ngoài ý muốn. Chúng tôi không chấp nhận việc Trung Quốc tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, và khuyến cáo Bắc Kinh không nên thực hiện ».

Chủ nhật 25/5 trước, Tokyo lên án Bắc Kinh đã có những hành vi « nguy hiểm », sau khi các phi cơ tiêm kích Trung Quốc bay sát các máy bay quân sự của Nhật trên biển Hoa Đông, chỉ cách có vài chục mét.

Theo một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Bản, một máy bay SU-27 của Trung Quốc bay sát một phi cơ giám sát OP-3C của Nhật. Một chiếc SU-27 khác cũng bay kè theo một chiếc YS-11EB Nhật Bản, trong khu vực giao thoa của vùng nhận diện phòng không đôi bên. Tokyo đã phản đối về mặt ngoại giao.

Tờ Asahi Shimbun cho rằng hai máy bay tiêm kích Trung Quốc chưa xâm phạm không phận Nhật. Theo hãng tin Kyodo, hai phi cơ trên theo dõi cuộc tập trận hải quân Nga-Trung ở phía bắc biển Hoa Đông.
Ngược lại, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định, hai phi cơ Nhật hôm thứ Bảy 24/5 đã bay vào vùng nhận dạng phòng không nước này mà không thông báo, ảnh hưởng đến tập trận Nga-Trung. Thế nên các phi cơ tiêm kích Trung Quốc đã được lệnh cất cánh « để nhận diện và có biện pháp bảo vệ ». Bắc Kinh phản đối Tokyo và yêu cầu « tôn trọng các quyền hợp pháp của hải quân Trung Quốc và Nga ». Hôm qua, Bắc Kinh cũng lên án Nhật Bản hồi tháng 11/2013 đã cho các máy bay tiêm kích bay gần một phi cơ Trung Quốc.

Quan hệ giữa hai cường quốc Châu Á rất tệ hại từ một năm rưỡi qua do tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và những vấn đề lịch sử.

No comments:

Post a Comment