Oct 7, 2012

• Hai "con cá mập" và quân đội Mỹ bí mật áp sát Senkaku

by haingoaiphiemdam - Infonet - ( Tân Sơn Hòa chuyển ) 10/7/2012


Image

HKMH USS John C. Stennis (CVN 74) từ vùng Vịnh đến hội ngộ với HKMH George Washington (CVN 73) ngày 20-11-2012 trên vùng biển gần đảo Guam và đang cùng tiến vào vùng Tây Thái Bình Dương gần khu vực tranh chấp giữa Nhật Bản và TQ/ Đài Loan (U.S. Navy photo) 

Có thể là một sự trùng hợp hay vì một lý do nào đó chưa ai biết nhưng người ta đã phát hiện 2 chiếc hàng không mẫu hạm cùng với một lực lượng không quân và thủy quân lục chiến hùng hậu của Mỹ đã âm thầm tập hợp tại vùng biển rất gần quần đảo Senkaku.


USS John C. Stennis (CVN 74) Pacific Ocean (September 21, 2012)

Động thái này của Hải quân Mỹ đã khiến các bên đang “tham chiến” vô cùng bất ngờ bởi từ nơi các tàu chiến Mỹ đang hội quân, chỉ cần điều động là có thể tiến vào vùng quần đảo Senkaku ngay tức thời, nơi tàu của Nhật Bản – Trung Quốc – Đài Loan liên tục có những cuộc đụng độ trong những ngày gần đây.
Mặc dù những cuộc đối đầu vừa xảy ra chỉ liên quan đến các tàu tuần tra bờ biển và tàu cá của các bên nhưng Trung Quốc tuyên bố họ sẽ tiếp tục gửi thêm tàu hải giám vào vùng biển này cùng những chiến hạm lúc ẩn lúc hiện ngoài đường chân trời
Senkaku hiện vẫn là quần đảo do Nhật Bản kiểm soát và quản lý.

Đến nay, phía Mỹ vẫn tuyên bố không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp này và Ngoại trưởng Hillary Clinton đã lên tiếng kêu gọi các bên dùng “cái đầu lạnh” để ngăn chặn một cuộc chiến tranh nổ ra. Mặc dù vậy, các quan chức Mỹ vẫn khẳng định Senkaku là khu vực nằm trong Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật và theo đó Mỹ phải có trách nhiệm hỗ trợ quân đội Nhật Bản nếu quân đội nước này bị tấn công.

Trong ngày 30/9, giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác nhận rằng hàng không mẫu hạm USS George Washington cùng với một lực lượng tấn công đã bắt đầu hoạt động ở biển Hoa Đông, gần quần đảo nơi đang diễn ra các tranh chấp. Cùng lúc này, một hàng không mẫu hạm khác là USS John C. Stennis cũng đang hoạt động ngay phía ngoài khu vực Biển Đông. Mỗi tàu mang theo khoảng 80 phi cơ chiến đấu và được hộ tống bởi nhóm các tàu khu trục, các hộ tống hạm aegis, tàu ngầm và tàu hậu cần.

Tại khu vực biển Philippines, khoảng 2.200 lính thủy quân lục chiến Mỹ cũng đang tập trung trên tàu USS Bonhomme Richard và 2 tàu hộ tống. Lực lượng thủy quân lục chiến này được trang bị cả xe bọc thép lội nước, vũ trang nhẹ, pháo binh trực thăng và máy bay phản lực Harrier chuyên dùng trong hải quân.
Thông thường, các nhóm tàu sân bay và lực lượng thủy quân lục chiến hoạt động độc lập với nhau nên việc cả 3 nhóm này cùng “vô tình” xuất hiện trong một khu vực rất “chật chội” của Thái Bình Dương khó có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Có nguồn tin cho rằng cả 3 lực lượng này đều đang thực hiện các cuộc tập trận xung quanh khu vực đảo Guam – nơi đặt căn cứ quân sự của Mỹ. Trong các cuộc tập trận này sẽ có cả màn bắn đạn thật, phóng hỏa tiễn và phối hợp đổ bộ giữa thủy quân lục chiến Mỹ và bộ binh Nhật Bản.
Người phát ngôn của Trung tâm chỉ huy quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, đại úy Darryn James lên tiếng khẳng định các hoạt động huấn luyện và việc triển khai 2 tàu sân bay ở khu vực này không hề liên quan đến vấn đề Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, quân đội nước này thường xuyên có khoảng 11 HKMH hoạt động trong khu vực Thái Bình Dương.
Cả nhóm HKMH USS George Washington và lực lượng TQLC đều hiện đồn trú ở Nhật Bản và đã từng có lịch huấn luyện riêng rẽ nhưng tất cả đã bị điều động về khu vực đảm Guam trước khi tình hình Senkaku nóng lên. Đảo Guam và đảo Tinian ở gần đó đều được quân đội Mỹ coi là “bàn đạp” để tạo thế tái cân bằng lực lượng của họ ở khu vực nhằm đối phó với sự lớn mạnh ẩn chứa tham vọng của Bắc Kinh.

Nhóm hạm đội Stennis lại xuất phát từ căn cứ ở Washington và tiến vào vùng Vịnh sớm hơn 4 tháng so với kế hoạch để chuẩn bị đối phó với chương trình hạt nhân của Iran. Các cuộc tập trận ở đảo Guam sẽ giúp cho Stennis có thêm vài ngày huấn luyện cùng với George Washington trên đường di chuyển. Điều khi “trùng hợp” nữa là Senkaku lại nằm trên đường biển đi từ Thái Bình Dương qua Trung Đông tuy nhiên chưa rõ là sau khi tập trận xong Stennis sẽ tiếp tục di chuyển hay sẽ “ở lại chơi” thêm một thời gian.

Còn với lực lượng TQLC, trước đó họ có kế hoạch di chuyển từ đảo Guam đến Philippines để tham gia huấn luyện cùng quân đội Phi nhưng sau đó kế hoạch của họ cũng đã bị thay đổi.

Người phát ngôn của hải quân Mỹ cho biết, ông ta không có bình luận nào về hướng di chuyển sắp tới của cả 2 nhóm tàu KHMH này.
Đại úy Darryn James nói với tờ Time: “Các hoạt động đó không nhất thiết phải gắn với bất kỳ sự kiện nào. Như một phần trong cam kết an ninh khu vực của Mỹ, hai trong số 11 nhóm HKMH tấn công trên toàn cầu của hải quân Hoa Kỳ đang hoạt động tại Tây Thái Bình Dương nhằm giúp bảo vệ ổn định và hòa bình hữu hiệu hơn”.

Theo các nhà phân tích, việc quân đội Mỹ tập trung một lực lượng khá mạnh ở gần Senkaku có thể là thông điệp nhằm gửi đến Trung Quốc rằng “nếu biết điều thì đừng có nên đẩy các cuộc tranh chấp ở Senkaku đi quá xa”. Hoặc cũng có thể đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên?

Infonet
( Tân Sơn Hòa chuyển )




CIA nghiêng về Nhật Bản vụ Senkaku
by vulep.blogspot - SATURDAY, 6 OCTOBER 2012



Tàu tuần tra Nhật Bản (trái) và tàu Trung Quốc ở đảo Uotsuri thuộc Senkaku/Điếu Ngư hôm 1-10

Một báo cáo của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) khẳng định tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư "mạnh mẽ và thuyết phục hơn" so với Trung Quốc.

Bản báo cáo này được thực hiện vào tháng 5-1971 và được giải mật tại Viện lưu trữ an ninh quốc gia thuộc trường đại học George Washington (Mỹ). “Tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư rất mạnh mẽ và gánh nặng tìm bằng chứng chứng minh quyền sở hữu quần đảo đó có vẻ thuộc về Trung Quốc” – báo cáo viết.

Theo báo cáo của CIA, tập bản đồ Hồng Vệ binh xuất bản năm 1966 ở Bắc Kinh trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa cho thấy “vùng biển nơi có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm ngoài biên giới Trung Quốc”. “Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc về Ryukyu (tức tỉnh Okinawa ngày nay), do đó chúng thuộc về Nhật Bản” – báo cáo kết luận.

Hơn nữa, theo CIA, trong số bản đồ của Đài Loan được xem xét không có cái nào chỉ ra rằng vùng biển quanh Senkaku/Điếu Ngư nằm trong biên giới Trung Quốc.

Các bản đồ xuất bản tại Châu Âu được lựa chọn ngẫu nhiên cũng không cho thấy Senkaku là một phần của lãnh thổ Trung Quốc, còn tập bản đồ thế giới của Liên Xô xuất bản năm 1967 có một hải đồ chỉ rõ rằng Senkaku là lãnh thổ của Nhật Bản.




“Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc về Ryukyu (tức tỉnh Okinawa ngày nay),

do đó chúng thuộc về Nhật Bản” – báo cáo kết luận (Ảnh: MSN) 

CIA khẳng định Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan sẽ không xảy ra bất cứ tranh chấp nào nếu người ta không phát hiện ra những mỏ dầu tiềm năng gần Senkaku vào cuối thập niên 1960. Báo cáo ghi: “Từ một khu vực không ai biết tới, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trở thành nơi tiềm ẩn nguy cơ xung đột quốc tế. Nếu không phát hiện ra dầu mỏ, quần đảo này đã rơi vào quên lãng”.

Tài liệu này cũng thể hiện sự hoài nghi của một số quan chức Mỹ về giá trị pháp lý trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này, mặc dù điều này chưa bao giờ trở thành quan điểm chính thức của Washington.

Bản ghi nhớ vào tháng 4-1978 do Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ chuẩn bị cho Cố vấn an ninh quốc gia Brezinski của cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter viết: “Lợi ích của chúng ta là không làm gì bất lợi cho Nhật Bản, đồng thời cũng phải tránh xa vấn đề tranh chấp lãnh thổ tiềm tàng giữa Trung Quốc và Nhật Bản”. Như vậy, quan điểm trung lập của Mỹ hình thành ngay từ những năm 1970.

(Theo Jiji Press)


No comments:

Post a Comment