May 31, 2013

• Vòng vây Trung Quốc đang ngày càng thắt chặt




Nhật Bản và Ấn Độ được cho là đang tìm đến với nhau để làm đối trọng với một Trung Quốc ngày càng hiếu chiến.

Thủ tướng Ấn Độ đã khẳng định mối quan hệ thân thiết, gắn bó với Tokyo bằng tuyên bố Nhật Bản là đối tác “tự nhiên và không thể thiếu của chúng tôi trên con đường tìm kiếm sự ổn định và hòa bình ở Châu Á”. Ngay lập tức, một tờ báo hàng đầu của Trung Quốc đã có bài viết thể hiện sự “ghen tị” không thể che giấu trước mối quan hệ Nhật-Ấn. 

Trong một bài phát biểu hàm chứa đầy ý nghĩa chiến lược và mang tính biểu tượng về một sự cân bằng trong khu vực, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh hôm qua (28/5) đã kêu gọi tăng cường hơn nữa mối quan hệ về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng với Nhật Bản. Ông Singh đã ca ngợi Nhật Bản là “một đối tác tự nhiên, không thể thiếu của chúng tôi trên con đường tìm kiếm hòa bình và sự ổn định trong khu vực Châu Á rộng lớn gồm cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”.

Bài phát biểu thể hiện sự quan ngại rõ ràng của Ấn Độ đối với một Trung Quốc ngày càng hiếu chiến được Thủ tướng Singh đưa ra khi ông này có chuyến thăm chính thức đến thủ đô Tokyo.

"Thủ tướng Shinzon Abe và tôi sẽ hợp tác cùng nhau để củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, truyền đi động lực mới cho mối quan hệ hợp tác về kinh tế cũng như làm sâu sắc thêm các cuộc đối thoại về lợi ích chung toàn cầu và khu vực giữa hai nước”, ông Singh đã nói như vậy đồng thời thêm rằng, Nhật Bản là một “đất nước xinh đẹp” luôn ở trong trái tim của ông này.

Theo ông Singh, "hai nước nên tăng cường các cuộc đối thoại về an ninh và quốc phòng, đẩy mạnh những cuộc tập trận quân sự chung đồng thời củng cố hợp tác về công nghệ quốc phòng”.

Việc Thủ tướng Ấn Độ kêu gọi tăng cường mối quan hệ an ninh và quốc phòng với Nhật Bản rõ ràng là một thông điệp cứng rắn mà ông này muốn gửi đến Trung Quốc sau 6 tuần diễn ra cuộc đối đầu Trung-Ấn căng thẳng ở khu vực biên giới giữa hai nước và chỉ chưa đầy một tuần sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường có chuyến thăm đến New Delhi.

Đặt Nhật Bản là trung tâm của chính sách Hướng Đông của Ấn Độ, Thủ tướng Singh khẳng định, “Ấn Độ và thế giới có lợi ích chiến lược và kinh tế lớn trong sự thành công của Nhật Bản".

Năm 2008, Thủ tướng Singh từng ký một thỏa thuận an ninh với Nhật Bản theo đó, Ấn Độ cùng với Mỹ và Australia là 3 đối tác an ninh hàng đầu của Tokyo trên thế giới. Từ đó, cụm từ “Ấn Độ-Thái Bình Dương” luôn xuất hiện trong những bài phát biểu của giới quan chức cấp cao Ấn Độ nhằm khẳng định lợi ích chiến lược của cường quốc này kéo dài sang Thái Bình Dương.

Miêu tả Ấn Độ và Nhật Bản là “những diễn viên chính” ở Châu Á, Thủ tướng Singh nói rằng, New Delhi và Tokyo có nhiệm vụ phải đảm bảo hòa bình, an ninh và sự thịnh vượng trong khu vực. Trong phát biểu ngầm ám chỉ đến các cuộc tranh chấp của Trung Quốc với một loạt nước láng giềng, ông Singh đã nói đến việc tiếp tục có những mối đe dọa đối với sự ổn định và an ninh của khu vực.

Ấn Độ cũng ngầm thể hiện sự ủng hộ đối với Nhật Bản trong cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông với Trung Quốc bằng phát biểu: “Chúng ta nên duy trì nguyên tắc tự do hàng hải và tự do thương mại ở các vùng biển dựa trên luật quốc tế đồng thời giải quyết các tranh chấp hàng hải thông qua con đường hòa bình”.

Ông Singh một lần nữa khẳng định quan hệ gắn bó giữa hai nước khi nhấn mạnh đến việc Nhật Bản là nước duy nhất có cơ chế đối thoại 2+2 với Ấn Độ.

Trung Quốc sôi sục ghen tị

Trước mối quan hệ thắm thiết giữa Nhật Bản và Ấn Độ - hai cường quốc lớn hàng đầu của Châu Á, tờ People’s Daily – cơ quan ngôn luận đầy ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm qua đã có bài viết thể hiện sự ghen tị không thể che giấu.

Tờ People’s Daily đã không tiếc lời chỉ trích Nhật Bản, gọi nước này là “kẻ trộm vặt” vì cái mà họ xem là một nỗ lực của Tokyo nhằm đưa Ấn Độ vào vòng tròn các đối tác chiến lược nhằm chống lại Trung Quốc.

Bài viết gay gắt của tờ báo Trung Quốc được đưa ra đúng thời điểm Thủ tướng Ấn Độ đang có chuyến thăm kéo dài 3 ngày đến Nhật Bản. Theo tờ báo này, Nhật Bản không thể “chịu đựng” được thực tế là Trung Quốc đã giải quyết một cách hòa bình và êm thấm cuộc tranh chấp ở khu vực biên giới với Ấn Độ bất chấp chấp việc một số nước “cố tình khích động” Trung, Ấn chống lại nhau.

Tờ People’s Daily gọi cách giải quyết hòa bình trên là “một điều kỳ diệu”.

“Trước chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường, cuộc đối đầu ở khu vực biên giới Trung-Ấn đã bị báo chí quốc tế làm quá lên. Sự bất đồng và mâu thuẫn giữa hai nước cũng bị thổi phồng lên như thể quan hệ Trung-Ấn đột ngột căng thẳng”, tờ báo của Trung Quốc đã viết như vậy.

Sau khi tự ca ngợi quan hệ Trung-Ấn, tờ People’s Daily quay sang chỉ trích không tiếc lời Nhật Bản. Dẫn lời phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, tờ báo của Trung Quốc viết: “Cái gọi là 'Kim cương An ninh Dân chủ, Ngoại giao Chiến lược hay Ngoại giao Giá trị' và một loạt cụm từ khác dường như có vẻ rất chiến lược. Nhưng thực tế, chúng bộc lộ tư tưởng ngoại giao hẹp hòi của chính phủ Nhật Bản. Âm mưu của những kẻ trộm vặt sẽ thất bại” vì lý do mà Trung Quốc chỉ ra là quan hệ gắn bó của họ với đất nước Ấn Độ.

Thực ra, quan hệ Trung - Ấn không hề êm đẹp như tờ People’s Daily nói. Người ta cứ tưởng cuộc đối đầu gần đây kéo dài nhiều tuần giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực biên giới đã được giải quyết êm thấm nhưng trên thực tế nó vẫn còn âm ỉ và mới đây binh lính Trung Quốc vừa có hành động chặn một nhóm tuần tra của Ấn Độ. New Delhi còn cáo buộc Trung Quốc đang xây đường ở khu vực tranh chấp giữa hai nước. 



Tàu khu trục tàng hình INS Satpura của Ấn Độ

Ấn Độ không để Trung Quốc yên tại Biển Đông

Ấn Độ đã phái 4 tàu chiến, trong đó có một tàu khu trục tiên phong và một tàu khu trục tàng hình, đi thực hiện nhiệm vụ triển khai dài ngày ngoài khơi xa, từ Eo biển chiến lược Malacca đến Malaysia, Việt Nam và Philippines. Trong hành trình này, các tàu chiến của Ấn Độ sẽ đi qua những vùng tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông – nơi Trung Quốc đang có các cuộc đối đầu căng thẳng với một loạt nước láng giềng.

4 tàu chiến đến từ Hạm đội Phía Đông của Ấn Độ bao gồm tàu khu trục tàng hình INS Satpura, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường INS Ranvijay, tàu hộ vệ tên lửa INS Kirch và tàu chở dầu INS Shakti. Những chiếc tàu này sẽ ghé thăm các các cảng gồm Klang ở Malaysia, Đà Nẵng ở Việt Nam và Manila ở Philippines trước khi trở về Ấn Độ vào cuối tháng 6. Chỉ huy Hạm đội Phía Đông Ấn Độ - Chuẩn Đô đốc P Ajit Kumar sẽ trực tiếp chỉ đạo nhóm tàu này trong hành trình đi qua Biển Đông.

"Tham gia có tính xây dựng là vũ khí nguyên tắc của chúng tôi trong thời bình. Ý tưởng là củng cố an ninh và sự ổn định trong toàn bộ Khu vực Ấn Độ Dương bằng cách hợp tác với các cường quốc biển trong và ngoài khu vực'', một sĩ quan cấp cao của Ấn Độ đã phát biểu như vậy.

Ấn Độ cũng đang xây dựng “những cây cầu” an ninh hàng hải mạnh mẽ với các nước như Nhật Bản và Việt Nam nhằm làm đối trọng với chiến lược “Chuỗi Ngọc trai” của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

“Chuỗi Ngọc trai” (String of Pearls) là tên gọi sách lược triển khai về hàng hải – quân sự của Trung Quốc xuất hiện lần đầu tiên trong báo cáo mật mang tên ”Tương lai của năng lượng ở Châu Á” được Mỹ đưa ra 2005. “Chuỗi ngọc trai” chỉ các căn cứ quân sự, cảng biển của Trung Quốc nằm rải rác như những hạt ngọc trai, chạy theo tuyến đường hàng hải trên biển bắt đầu từ Đảo Hải Nam (có người cho rằng từ Hồng Kông) xuyên Biển Đông, qua eo biển Malacca, ngang Ấn Độ Dương…đến tận Châu Phi (Somali) và vùng vịnh Persian, đặc biệt là dọc vùng biển Ấn Độ Dương như Pakistan, Sri Lanka, Sudan….

Qua chiến lược “Chuỗi Ngọc trai”, người ta thấy rõ được tham vọng của Trung Quốc trong việc tìm kiếm mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của nước này. Nhiều người Ấn Độ tin rằng, chiến lược “Chuỗi Ngọc trai” của Trung Quốc đặt Ấn Độ vào thế bất lợi quân sự bởi chiến lược này chẳng khác gì việc tạo một vòng vây xung quanh Ấn Độ.

Từ lâu, Ấn Độ đã theo dõi sát sao diễn biến các cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với một loạt nước láng giềng bởi New Delhi có một mối lo ngại sâu sa về việc sau Hoa Đông và Biển Đông, Trung Quốc sẽ “nhòm ngó” đến Ấn Độ Dương. Cảm nhận được mối đe dọa từ Trung Quốc, Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn sàng cho mình tư thế để có thể đối đầu với Trung Quốc.

New Delhi đang ra sức tăng cường sức mạnh quân sự cho mình. Ấn Độ trong mấy năm qua đang trở thành cường quốc nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Nước này cũng đẩy mạnh hoạt động tự chế tạo vũ khí hiện đại, tinh vi. Sức mạnh quân sự của Ấn Độ được đánh giá không thua kém gì và thậm chí có thể vượt qua được cả Trung Quốc.

Trong một diễn biến mới nhất khiến Trung Quốc nổi giận đùng đùng, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh vừa có chuyến thăm đến Tokyo với mục đích thắt chặt quan hệ với Nhật Bản – một nước cũng đang có tranh chấp lãnh thổ quyết liệt với Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Hai cường quốc hàng đầu của Châu Á được cho là đang tìm đến với nhau để làm đối trọng với một Trung Quốc ngày càng hung hăng, hiếu chiến trong tham vọng bành trướng tứ phía.

Tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Singh đã phát biểu, Ấn Độ chia sẻ với Nhật Bản một lợi ích chiến lược lớn, đó là việc mở rộng mối quan hệ hợp tác về an ninh hàng hải và củng cố sự ổn định trong khu vực. Ấn Độ coi Nhật Bản là “đối tác tự nhiên không thể thiếu” trong con đường tìm kiếm sự ổn định và hòa bình ở Châu Á. Bảo đảm các tuyến đường biển luôn được tự do và rộng mở là điều sống còn đối với sự thịnh vượng của khu vực trong bối cảnh các nước đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu dầu mỏ từ Trung Đông, ông Singh nói.



Tàu hải giám của Trung Quốc đi qua vùng tranh chấp ở biển Hoa Đông. Đây là hoạt động thường xuyên của phía Trung Quốc kể từ khi nước này có các cuộc đối đầu quyết liệt vì tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với các nước láng giềng trong khu vực.

Trung Quốc cuốn vào vòng xoáy tranh chấp 
Sự cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc lớn ở Châu Á-Thái Bình Dương đang đặt ra thách thức lớn nhất cho khu vực.
Một tổ chức cố vấn của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) hôm qua (28/5) đã đưa ra một báo cáo trong đó cảnh báo, Trung Quốc đang phải đối mặt với “áp lực chiến lược” ngày càng tăng với việc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hiện giờ trở thành “một trung tâm toàn cầu mới” cho “sự cạnh tranh về quân sự, kinh tế và địa chính trị”.

Được công bố bởi Trung tâm Chính sách Quốc phòng (CNDP) thuộc Học viện Khoa học Quân sự PLA, bản Báo cáo Chiến lược 2012 cho biết, “các cường quốc lớn đang đẩy mạnh cuộc chơi tranh giành sự thống trị trong khu vực”.

Theo Tân Hoa xã, bản báo cáo trên đã viết: “Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc lớn cùng với các cuộc tranh chấp đại dương ngày càng quyết liệt và những cuộc xung đột khu vực thường xuyên hơn, môi trường an ninh của Trung Quốc ngày càng trở nên phức tạp, nhạy cảm và bất ổn". Bản báo cáo của PLA cũng nhấn mạnh, do Mỹ tăng cường chuyển hướng trọng tâm chiến lược về phía đông nên cuộc tranh giành quyền hàng hải giữa các nước trong khu vực cũng trở nên gay gắt hơn và nóng bỏng hơn. Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng đã leo thang trong những năm gần đây. Mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Tokyo đã bị tổn hại nghiêm trọng bởi cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông cũng leo thang chóng mặt.

Bình luận về bản báo cáo mới nói trên, ông Yue Gang – một đại tá về hưu của PLA đã nói, Trung Quốc đang đối mặt với “áp lực chiến lược” lớn khi nước này trở thành quốc gia cộng sản lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

"Nhưng khi đó là một cuộc đối đầu về hệ tư tưởng thì bây giờ là cuộc đối đầu vì tranh chấp lãnh thổ. Bất kỳ một sự nhượng bộ hay thỏa hiệp nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ hiện nay đều có thể châm ngòi cho một làn sóng các phong trào chủ nghĩa dân tộc bùng phát dữ dội ở các nước có liên quan”, ông Yue cảnh báo.

Theo bản báo cáo của Trung Quốc, cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh và Tokyo ở quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sẽ còn kéo dài và nó sẽ chứng kiến vòng tròn luẩn quẩn những đòn trả đũa qua lại giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á này. Tờ China News Service dẫn lời bản báo cáo cảnh báo rằng, việc máy bay chiến đấu của Nhật Bản tiếp cận sát với các chuyến bay tuần tra dân sự của Trung Quốc sẽ làm leo thang cuộc tranh chấp từ dưới biển lên trên không và làm tăng nguy cơ nổ ra những cuộc đụng độ vũ trang.

Trong khi đó, ở Biển Đông, bản báo cáo của CNDP cho rằng, bản chất của các cuộc tranh chấp giữa một loạt nước trong khu vực đã leo thang từ việc khẳng định những quyền hàng hải lên đến việc phát triển các chiến lược hàng hải. Bắc Kinh thừa nhận, một số nước đang ngày càng trở nên lo ngại và các cuộc tranh chấp cần phải được kiểm soát để tránh bùng lên thành những cuộc khủng hoảng đáng sợ.

Tuy vậy, ông Ni Lexiong – Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Sức mạnh Biển ở trường Đại học Khoa học Chính trị và Luật pháp Thượng Hải, nhận định, sẽ không có chuyện xảy ra một cuộc đối đầu quân sự nghiêm trọng giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Ở Biển Đông, ông Ni nói rằng, vấn đề trở nên nhạy cảm hơn khi sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực trong bối cảnh sức mạnh kinh tế và quân sự của nước này ngày càng gia tăng đã khiến Mỹ lo ngại và tức giận.

"Mỹ đang tìm cách kiềm chế Trung Quốc bằng cách thắt chặt quan hệ với các nước láng giềng của Trung Quốc, khiến các cuộc tranh chấp trở nên phúc tạp hơn”, ông Ni bình luận.



Trung Quốc trong thời gian gần đây thường có nhiều động thái thể hiện sự hiếu chiến của họ trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông.

Trung Quốc chuốc họa khi gây gổ với láng giềng

Ổn định là yếu tố có tính sống còn cho sự phát triển và cộng hưởng của nền kinh tế Trung Quốc với nền kinh tế các nước trong khu vực. Việc Trung Quốc áp dụng các bước đi để ngăn cản tình trạng quân sự hóa những cuộc tranh chấp hiện nay là vì lợi ích của chính bản thân họ. 

Những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên lại một lần nữa đẩy các nước trong khu vực vào tình trạng đối đầu trực diện. Căng thẳng ở Biển Đông đã gây ảnh hưởng rộng khắp ra khu vực, gây ra những mâu thuẫn mới trong quan hệ giữa các nước thành viên ASEAN.

Việc Trung Quốc trắng trợn và tham lam đòi chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông giàu có đã đặt nước này vào trung tâm của các cuộc tranh chấp nóng bỏng đó. Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với một loạt nước láng giềng gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trong những năm gần đây, trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc càng ngày càng trở nên hiếu chiến và các nước có tranh chấp với Trung Quốc cũng trở nên ngày một cứng rắn. Điều đó làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột, gây bất ổn cho khu vực.

Tuy nhiên, ổn định là yếu tố sống còn cho việc duy trì sự cộng hưởng của nền kinh tế Trung Quốc với nền kinh tế của các nước trong khu vực. Trong môi trường quốc tế bất ổn với rất nhiều thách thức an ninh toàn cầu như hiện nay, việc Trung Quốc thực hiện các bước đi nhằm ngăn chặn tình trạng quân sự hóa các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải hiện nay là vì lợi ích của chính họ. Bắc Kinh nên hành động để củng cố mối quan hệ hợp tác với các nước láng giềng đang có tranh chấp hàng hải với họ. 

Sau nhiều năm yên bình, những nước có tranh chấp ở Biển Đông đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm khẳng định lợi ích của họ ở đây thông qua những tuyên bố chính thức, các chính sách mới cùng với những chuyến tuần tra thường xuyên. Những hành động này và nhiều bước đi khác đã dẫn đến tình trạng Trung Quốc đối đầu với cả Philippines và Việt Nam cùng lúc với một cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc biển Hoa Đông đang leo thang thành những cuộc dương oai diễu võ tiềm ẩn đầy nguy cơ.

Bắc Kinh lập luận rằng, các hành động của họ ở Biển Đông là “phản ứng” chứ không phải cố tình làm leo thang căng thẳng với mục đích để bảo vệ lập trường của nước này trước những thách thức về chủ quyền và lợi ích hàng hải. Bắc Kinh còn tuyên bố, họ liên tục nhấn mạnh cam kết với cách tiếp cận trong mối quan hệ với các nước ASEAN sao cho đảm bảo hòa bình, sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Tuy nhiên, rõ ràng, một số động thái của Bắc Kinh như việc nước này năm 2012 thông báo tiến hành khai thác dầu mỏ ở một loạt lô dầu rộng lớn ở Biển Đông, đã đi ngược lại thông điệp trên của họ và khiến các nước trong khu vực càng nghi ngờ, lo ngại về việc Trung Quốc chuẩn bị dùng sức mạnh vượt trội của họ để khẳng định chủ quyền một cách phi pháp ở Biển Đông.

Cùng lúc này, Mỹ lại tích cực thực hiện chiến lược hướng trọng tâm vào Châu Á. Washington tăng cường sự hiện diện quân sự ở trong khu vực với mục tiêu trọng tâm là nhằm ủng hộ cho các đồng minh và đối tác của họ. Chiến lược này của Mỹ đã nhận được phản ứng tích cực của một số nước nhưng nó lại khiến Trung Quốc nghi ngờ mục đích của Mỹ ở trong khu vực. Bắc Kinh xem chiến lược của Mỹ là một trò chơi một mất một còn mà ở đó Washington đang tìm cách tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng của nước này bằng cách phá vỡ mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.

Với những hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông hiện nay, nước này rõ ràng đang làm lợi cho Mỹ, đang tự mình phá hoại mối quan hệ với các nước láng giềng xung quanh. Nếu không thay đổi, Trung Quốc sẽ tự làm mình thua cuộc trong cuộc chơi với “kỳ phùng địch thủ” Mỹ và tự chuộc họa vào thân.

ĐỌC TIẾP:
:mrgreen: TIN MỚI ĐĂNG
:!: HỒ CHÍ MINH (hay HỒ TẬP CHƯƠNG, tên GIÁN ĐIỆP của HÁN CỘNG ???)


No comments:

Post a Comment