by KienHoa - 25/09/2012.
Tàu tuần duyên Nhật dùng súng phun nước để đẩy lui các tàu cá Đài Loan, 25/09/2012. REUTERS/Kyodo
Tình hình căng thẳng tại Senkaku/ Điếu Ngư đài đã thêm phần rắc rối. Hàng chục tàu cá và tàu tuần duyên Đài Loan kéo đến hải phận của Nhật Bản, ngoài khơi quần đảo mà Trung Quốc đòi chủ quyền. Chiến thuật kích động tinh thần đại Hán của Bắc Kinh với mục tiêu định hướng công luận, che dấu khó khăn kinh tế và chính trị đã làm cho một bộ phận người Hoa mờ mắt.
Vào hôm nay 25/09/2012, một đoàn 40 tàu đánh cá Đài Loan cùng với 8 tàu tuần dương dàn đội hình như một hạm đội tiến vào vùng biển Senkaku/ Điếu Ngư.
Lực lượng tuần duyên Nhật Bản, đang đối đầu với các tàu hải giám của Trung Quốc, lập tức dùng loa kêu gọi tàu Đài Loan tôn trọng lãnh hải Nhật Bản. Một sĩ quan trên tàu tuần duyên Đài Loan đáp trả qua làn sóng điện là họ « đang ở trong hải phận của Trung Hoa Dân Quốc, bảo vệ ngư dân, và sẵn sàng phản ứng nếu Nhật Bản dùng vũ lực ». Nhưng khi cảnh sát biển Nhật Bản sử dụng vòi rồng với áp suất cực mạnh phun nước ngăn chận thì đoàn tàu của Đài Loan đã rút lui.
Theo bộ chỉ huy lực lượng tuần duyên Nhật, thì đây là lần đầu tiên kể từ sau năm 1996, ngư dân Đài Loan tìm cách biểu dương lực lượng với quy mô lớn tại Senkaku.
Tuy nhiên, Tokyo đã liên lạc với chính quyền Đài Loan và nhấn mạnh đến mối quan hệ lâu bền với Đài Bắc để tìm một giải pháp thỏa đáng.
Theo quan điểm của Đài Bắc, Trung Hoa Dân Quốc cũng có « chính nghĩa » đòi chủ quyền tại đảo Điếu Ngư như Trung Hoa lục địa. Vấn đề là với sự kiện có thêm một tác nhân thứ ba can dự vào vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Tokyo từ hàng trăm năm nay sẽ làm cho tình thế đang căng thẳng trở thành phức tạp hơn.
Tuy chưa bên nào đưa chiến hạm vào vùng, nhưng nguy cơ va chạm không phải nhỏ. Thứ Hai vừa qua, Trung Quốc đã tìm cách « nắn gân » đối phương qua hành động cho ba tàu hải giám vượt qua làn ranh 22 cây số ngoài khơi Senkaku/Điếu Ngư.
Căng thẳng về chủ quyền đột ngột gia tăng vào đầu tháng Chín khi chính phủ Nhật quốc hữu hóa ba đảo còn thuộc tài sản tư nhân trong quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Bắc Kinh vội vàng đưa hàng chục tàu quân sự cải trang thành tàu dân sự ra vùng biển tranh chấp. Cùng lúc là đợt biểu tình bạo động bài Nhật diễn ra trên nhiều thành phố lớn tại Hoa lục mà theo báo chí Nhật có bàn tay chỉ đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Về phía Đài Loan, cách nay hai hôm, Tổng thống Đài Loan tuyên bố là Trung Hoa Dân Quốc không làm điều gì tổn hại cho quan hệ với hai đồng minh Hoa Kỳ và Nhật Bản. Hôm nay, ông lại tuyên bố ủng hộ hành động của ngư dân. Hai tuyên bố trái ngược nhau của Tổng thống Mã Anh Cữu cũng phản ánh một tình thế tế nhị : Đài Bắc là đồng minh của Washington và Tokyo, trong khi Hoa Kỳ đã khẳng định, trong hiệp ước an ninh hỗ tương với Nhật Bản, sẽ bảo vệ quần đảo Senkaku, nếu khu vực này bị xâm lăng.
Thái độ không nhất quán của lãnh đạo Đài Loan, do dân bầu lên, minh họa cho hệ quả chính sách kích động tinh thần đại Hán của Bắc Kinh.
Trong bối cảnh kinh tế trì trệ, nhân dân bất mãn, cán bộ tham ô, thượng tầng xung khắc như bọn trùm xã hội đen, đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị thay đổi thế hệ lãnh đạo vào mùa thu này. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc kích động ngọn lửa yêu nước để « định hướng công luận » hay nói thẳng ra là đánh lừa nhân dân của họ. Người dân Hông Kông đã ý thức được thủ đoạn của Bắc Kinh nên bằng mọi giá, kể cả đấu tranh tuyệt thực, họ đã buộc chính quyền Lương Chấn Anh hủy bỏ chương trình giáo dục yêu nước, mà thực chất là yêu Chủ nghĩa Xã hội theo quan điểm của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Vấn đề là không ít người Hoa dù ở lục địa, ở Đài Loan hay một nơi nào khác, còn chưa thấy âm mưu của Bắc Kinh.
Tình hình căng thẳng tại Biển Hoa Đông sẽ dẫn đến nổ súng hay không tùy thuộc vào Trung Quốc. Nhưng có lẽ lo sợ hiệu ứng « gậy ông đập lưng ông », Bắc Kinh đã ngầm chỉ thị ngưng biểu tình. Mặc khác, tuy vẫn tỏ thái độ « thiên triều », đơn phương hủy bỏ lễ tân ghi dấu 40 năm bình thường hóa bang giao với Nhật, ban lãnh đạo Trung Quốc có lẽ đã lắng nghe lời cảnh báo của Thủ tướng Nhật : Cuộc tranh chấp chủ quyền sẽ gây tổn hại cho hai bên và cho cả thế giới./Tú Anh (RFI)
Tàu tuần Nhật, Đài Loan bắn vòi rồng vào nhau ở biển Hoa Ðông
by Hoang Thy Mai Thao - VOA - 25.09.2012
by Hoang Thy Mai Thao - VOA - 25.09.2012
Tàu đánh cá của Đài Loan khởi hành từ cảng Tô Áo, ở đông bắc Đài Loan hướng về dãy đảo đang tranh chấp
Các tàu tuần duyên của Nhật Bản và Đài Loan hôm nay đã bắn vòi rồng vào nhau ở Biển Đông Trung Hoa, gây phức tạp thêm cho vụ tranh chấp lãnh thổ dữ dội vốn đã làm rối loạn các mối quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản.
Vụ đối đầu khá căng thẳng, được chiếu trên đài truyền hình Nhật Bản, đã diễn ra trong lúc ít nhất 8 chiếc tàu tuần duyên của Đài Loan hộ tống mấy mươi chiếc tàu đánh cá gần những hòn đảo mà cả Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đều tuyên bố có chủ quyền.
Các giới chức Nhật Bản cho biết các chiếc tàu Đài Loan đã rời khỏi vùng biển có tranh chấp khoảng 1 giờ đồng hồ sau đó. Chánh văn phòng Nội các Nhật Osamu Fujimura nói rằng Tokyo đã chính thức phản đối vụ xâm nhập của Đài Loan.
Ông Fujimura nói: "Chúng tôi lại một lần nữa nộp kháng nghị thư cho phía Đài Loan. Còn về vấn đề an ninh xung quanh quần đảo Senkaku, chúng tôi sẽ tiếp tục canh phòng toàn diện và chỉ thị cho tất cả các bộ liên hệ thu thập thông tin để đối phó với bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra."
Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã đưa ra một thông cáo để bày tỏ sự ủng hộ cho điều mà ông gọi là “hành động yêu nước” của các ngư phủ và lực lượng tuần duyên. Đây là lần đầu tiên Đài Loan phái tàu tới vùng biển có tranh chấp kể từ khi Nhật Bản mua những hòn đảo từ tay sở hữu chủ là một gia đình người Nhật, gây phẫn nộ cho cả Trung Quốc lẫn Đài Loan.
Các giới chức Trung Quốc và Nhật Bản hôm nay đã họp với nhau để tìm cách làm dịu bớt tình hình căng thẳng. Theo yêu cầu của Tokyo, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Chokao Kawai đã họp với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân tại Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Trương Chí Quân đã thúc giục Nhật Bản “thực hiện những biện pháp cụ thể” để “sửa chữa những sai lầm” liên quan tới quần đảo này.
Quan hệ Trung-Nhật đã bị suy sụp sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa các hòn đảo trong một hành động mà nhiều người xem là có mục đích giúp cho những hòn dảo đó khỏi bị khai thác bởi vị đô trưởng Tokyo có chủ trương dân tộc cực đoan. Từ đó tới nay, Trung Quốc đã phái nhiều tàu tuần duyên, tàu hải giám và tàu đánh cá đến nơi để tìm cách khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với những hòn đảo nằm gần những nơi có nhiều cá và có thể có nhiều dầu lửa và khí đốt.
Những đảo này Nhật Bản gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Đài Loan gọi là Điếu Ngư Đài.
Ông Michael Cucek, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế của Đại học MIT ở Tokyo, cho đài VOA biết rằng những diễn tiến ngày hôm nay làm cho vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo trở nên nguy hiểm và khó tiên liệu hơn.
Ông Cucek cho biết: "Rất khó để biết được Trung Quốc sẽ làm sao để lùi bước sau khi đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ như vậy và làm cách nào để cho những vụ xâm nhập, thoạt đầu là của các chiếc tàu từ Hồng Kông và giờ đây là của các chiếc tàu từ Đài Loan, tiến vào vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku không làm cho Trung Quốc viện cớ bảo vệ người dân Trung Quốc để gia tăng cường độ của những lời lẽ đả kích Nhật Bản và nâng cao mức độ của vụ đối đầu."
Trong những ngày gần đây, những vụ biểu tình chống Nhật đôi khi có bạo động đã diễn ra trên khắp Trung Quốc, và bao gồm những vụ tấn công nhắm vào các doanh nghiệp cho Nhật Bản làm chủ và những lời hô hào đòi tẩy chay hàng hóa của Nhật. Vụ tranh chấp này đe dọa tới mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn nhất Á châu.
Tranh chấp Trung Nhật ở Hoa Đông: Rất có nguy cơ gây ra các sự cố hàng hải
Trung Quốc công bố sách trắng về Senkaku/Điếu Ngư
No comments:
Post a Comment